Đồng Nai: Sẽ áp dụng 'giấy thông hành vaccine' điện tử, tiến tới phục hồi kinh tế
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về việc xây dựng các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để phục hồi kinh tế.
Theo đó, đối với việc xây dựng các giải pháp cần tập trung từ tháng 9 này đến cuối năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine hiệu quả, an toàn; hướng dẫn doanh nghiệp, người dân để đảm bảo an toàn sản xuất và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân...
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp cập nhật thông tin vào hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, theo dõi người đã có chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Sở cần phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới ban hành, áp dụng “giấy thông hành vaccine” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn nhằm thay thế cho các hình thức quản lý khác như giấy đi đường, giấy chứng nhận kết quả âm tính…
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu các phần mềm điện tử để giám sát các trường hợp F0, F1 đang được cách ly tại nhà thông qua việc thiết lập “hàng rào điện tử”. Xây dựng phần mềm chuyển đổi số, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua nền tảng thương mại điện tử…
Sở Công Thương nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh thành lập các tổ công tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, điều kiện để được hoạt động trở lại, tham mưu quy trình kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp mong muốn sớm trở lại sản xuất. Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh…
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở GTVT xây dựng điều phối hoạt động giao thông vận tải trọng yếu, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng…
Sở LĐTB&XH đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, người có điều kiện khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, đẩy mạnh sàn giao dịch việc làm online; đánh giá, phân tích về trình độ lao động của công nhân trong các khu công nghiệp, sự dịch chuyển lao động, xu hướng quay trở lại nhà máy, xí nghiệp sau dịch…
Sở GD&ĐT hướng dẫn bố trí việc dạy học trực tuyến theo hướng giảm tải chương trình, giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh trong việc trang bị thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng nhu cầu học trực tuyến, nhất là đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế đề xuất các giải pháp để học sinh có thể đến trường đảm bảo an toàn phòng dịch…
Đối với các giải pháp dài hạn, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, tham mưu các giải pháp về hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường; các chính sách phục hồi đầu tư, thu hút đầu tư; những giải pháp hỗ trợ về thông tin, giữ vững an ninh, trật tự; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết…
Tổ chức phong tỏa diện hẹp theo quy mô từng ổ dịch
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) vừa có văn bản hỏa tốc gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh đề nghị rà soát tổ chức phong tỏa diện hẹp các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn các huyện, thành phố.
Theo CDC Đồng Nai, sau khi thực hiện kế hoạch xét nghiệm diện rộng toàn tỉnh và kế hoạch xét nghiệm diện rộng bổ sung, CDC Đồng Nai đánh giá toàn tỉnh đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm cộng đồng. Hầu hết các ổ dịch cũ đã thu hẹp quy mô đến cụm dân cư, một khu nhà trọ và một số hộ gia đình phụ cận, xen kẽ trong khu nhà trọ hoặc đến quy mô ấp/khu phố. Một số ổ dịch mới phát hiện ngoài cộng đồng là do các ca nhiễm về/đến từ các vùng dịch và ca bệnh bỏ sót trong quá trình xét nghiệm diện rộng, đa số các ổ dich này có phạm vi lây nhiễm hẹp.
Do vậy, CDC Đồng Nai cho rằng việc kéo dài phong tỏa diện rộng toàn bộ xã, phường đến thời điểm này không còn phù hợp bởi các hộ gia đình trong các khu phong tỏa đã cơ bản sạch nguồn lây nhiễm nhưng vẫn bị phong tỏa chung với các ổ dịch sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Việc phong tỏa rộng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho công tác xét nghiệm tầm soát không cần thiết. Thực tế phong tỏa rộng chỉ giúp quản lý tốt người dân ra, vào khu phong tỏa, khó quản lý chặt chẽ các tiếp xúc bên ngoài khu phong tỏa. Phạm vi phong tỏa lớn cần nhiều lực lượng kiểm soát và phục vụ, việc cung ứng các dịch vụ thiết yếu trong khu phong tỏa cũng gặp nhiều khó khăn.
CDC Đồng Nai đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm y tế và Phòng y tế phối hợp với Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn rà soát các ổ dịch cũ còn ca nhiễm qua các vòng xét nghiệm; các ổ dịch mới phát hiện để đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại mỗi ổ dịch. Trên cơ sở đó đề xuất những khu vực cần tiếp tục phong tỏa.
Tổ chức phong tỏa diện hẹp theo quy mô từng ổ dịch. Phạm vi phong tỏa là khu vực còn ca dương tính và có nguy cơ lây nhiễm như một cụm dân cư hoặc một khu nhà trọ và hộ dân lân cận khu nhà trọ. Chỉ các ấp, khu phố hay xã, phường có nhiều ổ dịch, nhiều khu nhà trọ có ca dương tính và chưa truy vết, kiểm soát tốt nguồn lây mới thực hiện phong tỏa toàn ấp hay toàn xã.
Bố trí các lực lượng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa, cả đối với người ra vào và người dân trong khu phong tỏa, đảm bảo thực hiện cách ly người với người, nhà với nhà trong khu vực phong tỏa. Tổ chức cung ứng hàng hóa phù hợp, hạn chế thấp nhất sự di chuyển, tiếp xúc trong khu phong tỏa.
Tiếp tục thực hiện truy vết nhanh đối với các khu phong tỏa mới và các ổ dịch chưa kiểm soát được nguồn lây.
Thực hiện xét nghiệm làm sạch nguồn lây bằng test nhanh và PCR cho 100% người dân trong các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần cho đến khi không còn ca dương tính. Sau đó tiếp tục phong tỏa thêm 14 ngày và xét nghiệm ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi xét nghiệm không còn ca dương tính. Nhanh chóng đưa F0, F1 đi cách ly nếu có. Thực hiện giãn cách một số khu nhà trọ có ca nhiễm COVID-19 và mật độ người ở trọ đông. Quản lý việc thực hiện 5K tại các khu nhà trọ. Ưu tiên tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên sống trong các khu phong tỏa, khu nhà trọ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19./.