Đồng Nai sẽ xây cầu Cát Lái ra sao?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh chủ trì xây dựng cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với quận 2, TP.Hồ Chí Minh thay thế cho phà hiện hữu.
Để đảm bảo hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Hồ Chí Minh triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.
* Chia tách làm 3 dự án thành phần
Dự án xây dựng cầu thay thế cho phà Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 vào tháng 5-2017 theo đề nghị của Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT).
Hai dự án cầu Cát Lái và Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết hợp với tỉnh lộ 25C hình thành tuyến kết nối TP.Hồ Chí Minh - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vốn đang trong tình trạng quá tải, nhất là vào các dịp lễ.
Trước đó, ngày 9-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GT-VT. Trong đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2, TP.Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt sông Đồng Nai.
Đến tháng 8-2018, UBND tỉnh đã làm việc với Sở GT-VT TP.Hồ Chí Minh và đề xuất để Đồng Nai chủ trì, tổ chức mời các nhà đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thay UBND TP.Hồ Chí Minh để dự án sớm được triển khai.
Tuy nhiên, do đây là dự án có tổng mức đầu tư lên đến gần 7.200 tỷ đồng, việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi nên UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm 3 dự án thành phần.
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT cho hay, theo đề xuất ban đầu của tỉnh, dự án cầu Cát Lái tách ra làm 3 dự án thành phần gồm: phần đường dẫn phía TP.Hồ Chí Minh dài 623m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m sẽ kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m, rộng 56m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT; phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT.
Đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. “Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn phương án đầu tư phù hợp”, ông Từ Nam Thành cho biết.
* Một cây cầu “nhắm” đến... nhiều “đích”
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay, thời gian qua, thành phố mới Nhơn Trạch chưa phát triển như quy hoạch được do thiếu hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là các tuyến cầu đường kết nối với TP.Hồ Chí Minh qua sông Đồng Nai.
Hiện nay, các loại phương tiện lưu thông trực tiếp vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch qua phà Cát Lái tăng cao, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm hoặc các ngày cuối tuần, các dịp lễ, tết. “Tình trạng này khiến người dân, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, chi phí” - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Do đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc triển khai sớm dự án cầu Cát Lái sẽ giải quyết tốt việc kết nối giao thông. “Đây là dự án quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa Đồng Nai - TP.Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời kết nối giao thông với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.
Không chỉ có ý nghĩa về kết nối giao thông, dự án cầu Cát Lái sẽ tạo ra “động lực” giúp đô thị mới Nhơn Trạch phát triển nhanh chóng, trở thành vệ tinh đắt giá của TP.Hồ Chí Minh, một “Đông Sài Gòn” sầm uất.
Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, những năm qua, đô thị mới Nhơn Trạch chưa phát triển được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do chưa có hệ thống giao thông kết nối với các khu vực xung quanh, nhất là với TP.Hồ Chí Minh, đô thị năng động hàng đầu của cả nước.
Chính vì vậy, dự án cầu Cát Lái khi được triển khai thi công hoàn thành sẽ tạo ra sự kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để Nhơn Trạch phát triển. “Hiện giờ đi phà người dân phải mất cả tiếng đồng hồ nhưng khi có cầu, thời gian đi từ quận 2, TP.Hồ Chí Minh sang Nhơn Trạch và ngược lại chỉ mất vài phút. Do đó, không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi khi đầu tư vào Nhơn Trạch. Điều này tất nhiên sẽ tạo thêm điều kiện để phát triển” - ông Lê Thành Mỹ đánh giá.