Đồng Nai thực hiện đúng cam kết với Chính phủ ở Dự án sân bay Long Thành

Việc kịp thời bàn giao mặt bằng cho Dự án sân bay Long Thành thể hiện trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ.

Những con số biết nói

Năm 2015, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) với mục tiêu xây dựng cảng hàng không đạt chuẩn 4F, hướng tới điểm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực với công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự án có tổng diện tích 5.364ha, trong đó phần diện tích làm sân bay là 5.000ha và tái định cư trên 364ha. Tổng mức đầu tư cho 3 giai đoạn gần 336.630 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh Đồng Nai được giao làm chủ đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỉ đồng.

Với quy mô tầm cỡ khu vực và công cuộc di dời, tái định cư hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng dự án, sân bay quốc tế Long Thành đã trở thành công trình lịch sử, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế cả vùng và đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ dự án thành phần 2, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ dự án thành phần 2, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Để kịp thời kiểm kê, áp giá bồi thường, xét bố trí tái định cư, vừa thực hiện các dự án ngoài hàng rào sân bay… Đồng Nai đã tăng cường hơn 100 cán bộ cùng huyện Long Thành làm ngày, làm đêm để hoàn tất công tác kiểm đếm, đền bù, giải phóng mặt bằng, để có mặt bằng sạch bàn giao như chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong số 5.000ha đất làm dự án sân bay có tổng cộng 2.932ha đất của 5.541 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải thu hồi. Có đến 4.330 hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa trắng, ước khoảng 13.543 nhân khẩu thuộc diện phải bố trí tái định cư vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Đây cũng là dự án có khối lượng công việc thu hồi đất thực hiện trên địa bàn rất rộng, liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã, trong đó giải tỏa trắng xã Suối Trầu, xóa tên khỏi bản đồ địa giới hành chính xã này.

Đến nay, tiến độ dự án thu hồi đất đạt 98,7%, trong đó diện tích giai đoạn 1 thu hồi 2.532ha gồm 1.810ha xây dựng cảng và 722ha dự trữ đất dôi dư đã bàn giao cho chủ đầu tư ACV thực hiện khởi công giai đoạn 1.

Phần diện tích còn lại 63,83ha thuộc giai đoạn 2, trong đó diện tích của cá nhân, hộ gia đình là 10,38ha; đất sông, suối, giao thông là 53,45ha sẽ hoàn thành thu hồi trong tháng 12/2023.

Như vậy phần diện tích đất còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án.

Việc kịp thời bàn giao mặt bằng thể hiện trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ. Đây là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành suốt 5 năm qua trong thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, phức tạp mà không để phát sinh điểm nóng.

Đảng bộ quyết tâm, người dân đồng thuận

Nhận thức rõ trách nhiệm của tỉnh với công trình trọng điểm quốc gia mang tầm cỡ khu vực và thế giới, ngay sau khi Quốc hội khóa XIV chấp thuận chủ trương theo Tờ trình số 225/TTr-CP ngày 29/5/2017 của Chính phủ về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành thành dự án thành phần, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực thi công nhà ga Sân bay Long Thành. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực thi công nhà ga Sân bay Long Thành. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Ngay sau khi phê duyệt dự án, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh để triển khai thực hiện.

Mặc dù trong 2 năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội, nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, với tinh thần trách nhiệm cao, với quyết tâm chính trị, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, tỉnh Đồng Nai đã thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành không chỉ có sự nỗ lực, phấn đấu của hệ thống chính trị, sự cần mẫn từng cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà còn sự hy sinh to lớn của các hộ dân có đất bị thu hồi (nhiều cơ sở tôn giáo phải di dời đến nơi mới, hơn 1.930 ngôi mộ được cất bốc đến hoa viên nghĩa trang Bình An).

Nhận thức được đây là dự án có quy mô, khối lượng công việc thực hiện rất lớn, có tính phức tạp cao do liên quan đến đời sống của người dân, và các chế độ, chính sách xã hội… đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mỷ, có sự phối hợp của nhiều ngành để xử lý, tỉnh đã tăng cường đội ngũ 113 cán bộ biệt phái để chia lửa với huyện Long Thành thực hiện nhiệm vụ.

Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức đối thoại với người dân có đất bị thu hồi ở dự án sân bay Long Thành, định kỳ kiểm tra, khảo sát hạ tầng, đảm bảo đời sống người dân khu tái định cư.

Với quyết tâm “Người dân khu tái định cư sân bay Long Thành phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã họp bàn thống nhất tạm ứng nguồn vốn hơn 100 tỉ đồng để tiếp tục xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là trường học cho con em người dân khu tái định cư đảm bảo việc học.

Nghị quyết 53 của Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, đến ngày 6/11/2018 mới được Thủ tướng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, thì đến ngày 6/12/2018 Bộ KH&ĐT, giao vốn đợt 3 năm 2018 cho dự án này 4.500 tỉ đồng; ngày 31/12/2018, giao kế hoạch vốn năm 2019 là 6.990 tỉ đồng. Như vậy, vốn chuyển từ 2018 sang và vốn của 2019 là 11.490 tỉ đồng.

Trong khi đó, hồ sơ thiết kế phải mất hơn 6 tháng mới hoàn thành thủ tục pháp lý để triển khai, đó cũng là nguyên nhân không giải ngân hết vốn giai đoạn 2016-2020.

Để bảo đảm tiến độ công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cũng như kịp thời bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, tránh khiếu nại, khiếu kiện, tỉnh Đồng Nai đã năng động, sáng tạo trong việc chủ động tạm ứng ngân sách của tỉnh từ nguồn vốn nhàn rỗi dôi dư từ quỹ đầu tư phát triển để chi trả cho công tác bồi thường của Dự án (tạm ứng để chi cho dự án là 1.369 tỉ đồng trong đó 1.264 tỉ đồng cho trả cho công tác bồi thường, 105 tỉ đồng cho 6 gói thầu xây lắp) nhằm hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho Dự án và đảm bảo hạ tầng xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Với quy mô lớn, ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng không chỉ của Đồng Nai, các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn của cả nước, vì vậy tỉnh Đồng Nai quyết tâm cùng chung sức, chung lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực, quyết tâm chính trị và cả tình cảm, tâm huyết với dân, với nước, quyết liệt hành động để dự án hoàn thành đúng tiến độ, qua đó góp phần xây dựng thành công công trình thế kỷ của đất nước.

Lưu Bích

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-nai-thuc-hien-dung-cam-ket-voi-chinh-phu-o-du-an-san-bay-long-thanh-post660381.html