Đồng Nai tìm giải pháp phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
Trong nỗ lực ngày càng quan tâm, chủ động tìm tòi những cách làm mới, sáng tạo nhằm tạo đột phá trong công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ngày 14/6, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học 'Công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước'.
Chủ đề quan trọng này thu hút sự quan tâm của các chuyên gia nghiên cứu xây dựng Đảng, lãnh đạo ban đảng một số tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là đại diện cấp ủy cơ sở tổ chức đảng các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ trong và ngoài tỉnh.
Kết quả thực tế đạt được còn khiêm tốn
Hơn 50 bản tham luận gửi đến Ban Tổ chức và 7 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã nêu bật sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Phản ánh khá rõ nét kết quả đạt được, đồng thời đi sâu phân tích những mặt hạn chế, khó khăn, từ đó các chuyên gia nghiên cứu, đặc biệt đại diện cấp ủy cơ sở đến từ các doanh nghiệp có 100% vốn FDI đã đề xuất những giải pháp xác đáng, khả thi để nâng cao hơn nữa chất lượng tạo nguồn và phát triển đảng viên.
Hội thảo còn là dịp chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển đảng viên là lực lượng công nhân trực tiếp sản xuất và chủ doanh nghiệp tư nhân.
Cho đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có 185 tổ chức đảng với 4.158 đảng viên ở loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Không chỉ số lượng khiêm tốn mà chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng cơ sở cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Bên cạnh một số đảng bộ ở các doanh nghiệp lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động khá tốt, thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, hiện nay vẫn còn tình trạng một số tổ chức đảng tồn tại chỉ mang tính hình thức và hoạt động theo sự chỉ đạo của chủ doanh nghiệp hoặc lúng túng duy trì nội dung, phương thức hoạt động.
Song, rào cản lớn nhất là một số nhà đầu tư nước ngoài chưa hiểu đúng bản chất về vai trò, vị trí của tổ chức đảng nên xuất hiện tâm lý e ngại thành lập trong doanh nghiệp mình.
Còn tồn tại quan niệm từ chính đội ngũ công nhân lao động rằng mình chỉ là người làm thuê nên sợ phân biệt đối xử, không dám công khai bản thân là đảng viên tại chỗ làm việc, mà chỉ sinh hoạt đảng ở nơi cư trú. Bên cạnh chỉ ra nguyên nhân, đại biểu này đề xuất các nhóm pháp, đầu tiên vẫn là cần tập trung nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp.
Cần quyết tâm chính trị cao
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định yêu cầu cấp thiết phải không ngừng đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng với Đồng Nai khi 85% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là thuộc khu vực tư nhân và vốn FDI.
Số lượng công nhân lao động cũng chiếm tỷ lệ tương đương nhưng lực lượng nòng cốt chính trị ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn rất thấp. Cụ thể, toàn tỉnh hiện mới có hơn 4.000 đảng viên trong tổng số 800.000 công nhân lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp này.
Trước thực tế trên, nhất là còn nhiều rào cản được nhận diện, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lưu ý: “Tổ chức đảng cơ sở phải luôn khẳng định vai trò, sứ mệnh tồn tại gắn với sự phát triển vững chắc của doanh nghiệp, bởi lẽ, trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tổ chức đảng ở đó cũng không còn.
Mục tiêu duy nhất của từng đảng viên và tổ chức đảng là phụng sự doanh nghiệp trường tồn, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và lợi ích chính đáng cho người lao động, ngoài ra tuyệt nhiên không có mục tiêu nào khác”.
Nhắc lại minh chứng thuyết phục đợt xảy ra công nhân lao động tuần hành phản đối sự kiện diễn ra trên Biển Đông năm 2014, thời điểm đó, doanh nghiệp nào có tổ chức đảng, công đoàn thì không bị phá hoại, thiệt hại tài sản, ngược lại những nơi bị tấn công, đập phá, mất mát đều không hiện diện tổ chức đảng, công đoàn, đồng chí cho rằng: “Tạo bước chuyển nhận thức như vậy là rất quan trọng nhưng nếu không hành động, không triển khai những bước đi phù hợp thì khó đạt mục tiêu đề ra trong thực tiễn phát triển đảng, đảng viên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”.
Lắng nghe, đánh giá cao những tiếng nói kiến nghị đậm “hơi thở cuộc sống” đến từ đại diện cấp ủy các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại diễn đàn lần này, trong những nhóm giải pháp được Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề cập, công việc căn cơ đầu tiên cần làm hiện nay, đó là tiếp cận, tuyên truyền, giải thích, minh chứng bằng những mô hình hay, điển hình cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ phát triển đảng viên, hình thành tổ chức đảng cơ sở tại doanh nghiệp bao giờ cũng chỉ có lợi chứ không có hại, từ đó đồng thuận ủng hộ chủ trương này.
Tiếp đó là tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng trong thanh niên công nhân, đồng thời chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người lao động nhất là ở các khu nhà trọ, qua đó, tạo niềm tin để họ đi theo Đảng.
Nhìn nhận lộ trình xóa những doanh nghiệp “trắng” chưa có đảng viên là thử thách lớn đặt ra, đồng chí yêu cầu trước hết Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh phải nỗ lực suy nghĩ cách thức tiếp cận công nhân lao động và chủ doanh nghiệp thật hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thường xuyên tổ chức các đoàn dự, giám sát sinh hoạt đảng trong các chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.