Đồng Nai: Tín hiệu tốt cho xuất khẩu chuối tươi trong tương lai
Ngày 22/2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức cắt băng chúc mừng chuyến hàng chuối tuơi xuất khẩu đầu năm Quý Mão 2023. Từ đây mở ra hướng mới trong việc xuất khẩu sản phẩm chuối tươi tại Đồng Nai và các tỉnh phía Nam sang thị trường các nước khu vực châu Á.
Đây là cũng lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức hội thảo quy mô về chuối tươi xuất khẩu. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ NN&PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các hợp tác xã trồng chuối tỉnh Đồng Nai và nhiều đối tác, khách hàng.
Theo báo cáo, tỉnh Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất với 13.149ha (chiếm tỷ lệ 8,53%) và chiếm đến 70% diện tích chuối khu vực Đông Nam Bộ. Chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của Đồng Nai và có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500ha.
Diện tích cây chuối ở Đồng Nai phân bố trên khắp các địa bàn trong tỉnh, tập trung nhiều ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán với năng suất trung bình khoảng 40 - 45 tấn/ha (trong khi tiềm năng có thể đạt từ 50 - 55 tấn/ha) và sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm, trong đó có hơn 80% xuất khẩu.
Giống chuối được trồng phổ biến là giống chuối già Nam Mỹ, tiếp đến là chuối sứ, chuối cau với thu nhập bình quân 1 ha trồng chuối sau khi trừ các chi phí vào khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Chuối được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Hiện tại, Đồng Nai đứng đầu cả nước về số lượng mã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số. Đây cũng là tỉnh được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt lên tới 30 vùng trồng với diện tích 5.669ha (43% diện tích chuối của tỉnh) và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Trong năm 2022, có 15 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số thu mua xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Năm 2022, tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn chuối và dự kiến năm 2023 xuất khẩu hơn 500.000 tấn, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu trên 200.000 tấn.
Ông Võ Văn Huy, nông dân trồng chuối ở Đồng Nai cho biết, xâm nhập vào thị trường xuất khẩu chuối, điều cần thiết là đảm bảo chất lượng tốt nhất để đáp ứng thị trường thế giới. Điều này cũng đòi hỏi tính liên kết giữa các bên như doanh nghiệp, nhà nông, khoa học, đặc biệt chính quyền phải nghiêm túc hơn trong việc quản trị chất lượng chuối. Hiện, các cấp chính quyền tại tỉnh Đồng Nai đã và đang nỗ lực tạo điều kiện nhằm nâng cao mối liên kết này, vì vậy nông dân trồng chuối yên tâm hơn.
Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, trong thời gian gần đây, vai trò Nhà nước, các cấp, các ngành tại tỉnh Đồng Nai đã giúp ngành sản xuất chuối tươi thâm nhập sâu vào thị trường xuất khẩu. "Có thể nói rằng, việc thiết lập mã số vùng trồng chuối, thiết lập mã số cơ sở đóng gói… là đòn bẩy, là điểm tựa để các thành viên tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình. Chúng ta càng ý thức sâu hơn các yêu cầu thì chất lượng sản phẩm chuối xuất khẩu càng được nâng cao", ông Trần Lâm Sinh cho biết.
Ông Sinh cũng nhấn mạnh, trong qui trình liên kết chuỗi sản xuất chuối, thể hiện rõ trách nhiệm của các thành viên của chuỗi liên kết, nhà đầu tư, nông dân có thể yên tâm sản xuất chuối bền vững và hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện chuỗi liên kết người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước. Mối liên kết chuỗi này đã và đang thực hiện tốt các khâu từ trồng chuối đến thị trường tiêu thụ chuối.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tình hình xuất khẩu chuối của tỉnh Đồng Nai ngày càng khởi sắc, nhiều năm qua, chuối đang dần có vị thế, được thị trường các nước trên thế giới đón nhận. Hiện nay, Trung Quốc chính thức nhập khẩu chính ngạch trái chuối tươi của Việt Nam. Đó là niềm vui của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, đây chính là tín hiệu tốt cho xuất khẩu chuối trong tương lai, ổn định, phát triển kinh tế cho người trồng chuối.