Đồng Nai tính toán xây dựng trung tâm hành chính kết hợp đô thị
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu tìm kiếm mô hình trung tâm hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, chuyên nghiệp và phục vụ người dân tốt hơn.
Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo tìm kiếm mô hình xây dựng Khu trung tâm chính trị-hành chính (trung tâm hành chính) tỉnh.
Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, việc hình thành trung tâm hành chính tập trung là cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; tận dụng tối đa không gian, tiện nghi chung.
Đô thị trung tâm hành chính
Đại diện Tập đoàn Nikken Sekkei LTD (Nhật Bản) nhận định, có 3 yếu tố để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai được quy hoạch xây dựng tại phường An Bình, TP Biên Hòa là tích hợp các chức năng đô thị ở mức độ cao gồm: Phát triển đường sắt và đường bộ để tăng cường giao thông đối ngoại; lập quy hoạch không gian tập trung vào các khu vực công cộng, với trọng tâm là trung tâm hành chính tích hợp; triển khai những nghiên cứu chuyên sâu nhằm áp dụng các công nghệ tiên tiến về môi trường và năng lượng.
Theo Tập đoàn Nikken Sekkei LTD, quan điểm phát triển đô thị trung tâm hành chính tỉnh trong thời đại mới sẽ là trung tâm của vùng, là trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế và là nơi thể hiện bản sắc của vùng, nơi tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu mới của xã hội.
“Với tuyến đường cập sông Đồng Nai có thể xây dựng ngầm để không gian phía trên sẽ là một tuyến phố đi bộ, tạo không gian sinh hoạt, vui chơi cho người dân” - đại diện Nikken Sekkei LTD đề xuất.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) chia sẻ, về cơ bản, trung tâm hành chính là một nơi hỗ trợ phát triển cho việc quản lý và cung cấp dịch vụ của thành phố hoặc tỉnh. Việc quy hoạch trung tâm cũng gắn liền với thông điệp chính trị mà tỉnh muốn truyền tải đến người dân.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Surbana Jurong, việc có một trung tâm hành chính lớn nhưng không có kèm các chức năng khác hỗn hợp khác nhau mang tính chất phi hành chính sẽ chỉ tạo ra một khu vực chỉ hoạt động trong giờ làm việc hành chính. “Nếu không có những chức năng khác như nhà ở, bán lẻ, giải trí… một trung tâm hành chính sẽ trở thành một vùng chết sau giờ làm việc” - lãnh đạo Tập đoàn Surbana Jurong nhận định.
Để hóa giải những thách thức này, đại diện Tập đoàn Surbana Jurong chỉ ra bằng cách thông qua việc tạo ra các khu vực sử dụng hỗn hợp chức năng, phân tán các "tòa nhà có vùng chết" này thông qua một cụm khu dân cư có người ở, hay thêm các hoạt động ở tầng trệt giúp khu vực trở nên sống động sau giờ làm việc với các chiến lược kiến tạo nơi chốn có suy xét cẩn thận.
Ông Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, điểm nổi bật của Đồng Nai là quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính trong khu vực đô thị rộng hàng trăm ha. Tỉnh cần tính toán thật kỹ để trung tâm hành chính sẽ kích thích sự phát triển cho khu vực xung quanh. Việc tổ chức đô thị, trung tâm hành chính cần triển khai theo kiến trúc xanh, gắn với sông Đồng Nai, khai thác lợi thế từ sông, có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, bảo đảm với xu hướng phát triển trên thế giới.
Là người con của vùng đất Biên Hòa, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, ở nước ta đã có nhiều tỉnh, thành xây dựng trung tâm hành chính, nhiều địa phương cũng đang lên kế hoạch xây dựng.
Thực tế, những vấn đề liên quan đến hiệu quả, tiện ích, chi phí vận hành của trung tâm hành chính vẫn mơ hồ, chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể.
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất chính quyền tỉnh Đồng Nai cần tính toán xây dựng trung tâm hành chính kết hợp đô thị, gần gũi công chúng với những chức năng đi kèm như: Nhà ở, bán lẻ, giải trí, du lịch. Không để trung tâm hành chính trở thành một “vùng chết” sau giờ làm việc.
Lựa chọn mô hình xây dựng phù hợp, xứng tầm
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết quá trình xây dựng trung tâm chính trị - hành chính, địa phương sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân. Trung tâm này phải đảm bảo tính hiện đại, có tính đến biểu tượng đặc trưng cho văn hóa, con người Đồng Nai.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ chọn vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 để xây dựng trung tâm chính trị - hành chính tỉnh. Trung tâm sẽ gắn liền với sông nước, phát triển kinh tế sông, kinh tế đêm, đồng thời kết hợp với khu đô thị để tạo nên khu vực sống động, không “chết” về đêm; kết nối với đô thị Biên Hòa hiện hữu, sân bay Long Thành, sân bay Biên Hòa bằng nhiều phương thức giao thông.
Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, địa phương đặt mục tiêu tìm kiếm mô hình xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, chuyên nghiệp và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Các ý kiến đóng góp của các đơn vị tư vấn, kiến trúc sư, chuyên gia đã giúp cho tỉnh có thêm tư duy để tìm kiếm mô hình phù hợp.
Sau hội thảo, tỉnh sẽ sớm tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế trung tâm hành chính tỉnh để lựa chọn mô hình xây dựng phù hợp, xứng tầm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý, phải xác định vị trí, quy mô, mô hình của trung tâm hành chính một cách phù hợp, có tính hiệu quả cao về kinh tế. Kiến trúc phải là kiến trúc xanh, không gian mở thân thiện với người dân.
Đồng thời, tính toán phương án không gian xen kẽ các chức năng dịch vụ, du lịch, thương mại, công viên cây xanh để tạo nên sự gần gũi với người dân cũng như tính toán nguồn lực và “bài toán” hiệu quả về kinh tế trong quá trình lựa chọn mô hình xây dựng trung tâm hành chính tỉnh.