Đồng Nai và Bình Thuận phối hợp làm du lịch 'lên rừng xuống biển'
Lần đầu tiên trong chương trình xúc tiến du lịch, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận cùng bắt tay xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp điều kiện của từng địa phương. Mỗi năm tổ chức cho hàng trăm ngàn công nhân, viên chức, lao động đi du lịch với giá ưu đãi nhất.
Phát huy lợi thế tiềm năng du lịch
Bình Thuận có gần 200 km bờ biển và đảo Phú Quý. Bình Thuận có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú và quý giá, với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái biển đa dạng…
Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có nhiều tài nguyên du lịch vùng rừng, núi, nhiều di tích lịch sử - văn hóa cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc. Đó là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch kết hợp trải nghiệm sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, con người và di tích văn hóa - lịch sử, du lịch Bình Thuận còn hấp dẫn gọi mời khách du lịch gần, xa đến tham quan, trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo. Hệ thống resort, khách sạn hiện đại và đầy đủ tiện nghi. Những khu vui chơi giải trí đẳng cấp, những món ăn ngon đậm đà hương vị miền biển…
Trong khi đó, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là tỉnh công nghiệp với sự phát triển năng động. Đồng Nai cũng được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng phát triển du lịch với hệ sinh thái rừng, thác, sông, hồ, núi….
Nổi bật là khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Sông Đồng Nai là một trong những dòng sông đẹp và dài nhất vùng Nam Bộ. Hồ Trị An là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước được quy hoạch là khu du lịch quốc gia...
Với lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển, vùng đất Đồng Nai đã để lại nhiều di sản văn hóa, ẩm thực đặc sắc, phong phú, mang dấu ấn riêng của vùng đất phương nam. Đồng Nai cũng được biết đến là thủ phủ trái cây của vùng Đông Nam Bộ với nhiều loại trái cây nổi tiếng.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, với nhiều tuyến đường cao tốc đã và đang hình thành đi qua địa bàn Đồng Nai. Đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên vào quý III/2026. Đây là những thuận lợi và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói chung và du lịch nói riêng trong thời gian tới.
Ông Bùi Thế Nhân đánh giá, giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có vị trí địa lý liền kề, hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hiện đại và thuận lợi. Sự khác biệt giữa lợi thế và loại hình sản phẩm du lịch, với một bên là du lịch biển đảo và một bên là du lịch sinh thái, du lịch nông thôn có thể bổ trợ lẫn nhau và là điều kiện để phát triển sản phẩm, tour tuyến đa dạng, hấp dẫn.
Qua đó ngày càng thu hút nhiều du khách Đồng Nai đến với Bình Thuận và ngược lại. Đây cũng là những lợi thế và cơ hội để Bình Thuận và Đồng Nai nói riêng, các tỉnh, thành trong khu vực nói chung tăng cường liên kết, hợp tác liên vùng cùng nhau phát triển du lịch.
Ưu đãi đối với công nhân lao động
Bà Lê Thị Ngọc Loan - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, để khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, trong những năm qua tỉnh Đồng Nai đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến nay, Đồng Nai có 22 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như: tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tín ngưỡng, văn hóa…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 136 cơ sở với tổng số phòng trên 3.700 phòng. Hơn 40 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Đồng Nai hiện là thị trường lớn về khách của nhiều tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có tỉnh Bình thuận).
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định du lịch là một trong năm trụ cột của nền kinh tế và định hướng phát triển du lịch hướng chất lượng cao.
Hiện nay, Đồng Nai tiếp tục đang và sẽ triển khai nhiều dự án du lịch lớn như: khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại núi Chứa Chan với quy mô khoảng 1.600 ha, dự án du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi, dự án tuyến du lịch sông Đồng Nai… sẽ tạo diện mạo mới cho du lịch tỉnh trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Ngọc Loan kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động du lịch, các điểm đến du lịch tại tỉnh Đồng Nai có những chương trình ưu đãi cụ thể nhằm thu hút du khách đến từ tỉnh Bình Thuận. Ngược lại, du lịch Bình Thuận cũng cần có những chương trình ưu đãi cho khách du lịch tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt là tiềm năng du khách là công nhân lao động tại 31 khu công nghiệp.
Ông Bùi Thế Nhân cho biết, trong những năm gần đây, trong cơ cấu khách nội địa đến tham quan du lịch tại Bình Thuận mỗi năm, thị trường khách đến từ Đồng Nai luôn tăng đều và chiếm tỷ trọng cao trong số các tỉnh, thành cả nước. Trong thời gian tới, giữa hai địa phương cần có nhiều chương trình xúc tiến, kết nối phát triển du lịch bổ trợ cho nhau.
Theo ông Bùi Thế Nhân, ngành du lịch giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai phải nỗ lực cùng nhau khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, tích cực hợp tác, liên kết phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời hỗ trợ, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát sản phẩm du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch liên kết giữa hai địa phương, tạo sự đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
“Trước mắt, tỉnh Bình Thuận đang vận động các cơ sở đang hoạt động du lịch, các điểm đến vui chơi tham quan, khách sạn trong tỉnh tham gia thiết kế các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt nhằm phục vụ cho hàng chục ngàn công nhân lao động đến từ tỉnh Đồng Nai”- ông Bùi Thế Nhân cho biết.