Đồng Nai: Xét xử vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng
Sáng 25/10, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá gần 2.700 tỷ đồng (Giai đoạn 1 Chuyên án 920G).
Đây là vụ án có quy mô lớn nhất trong lịch sử tố tụng từ trước đến nay của tỉnh Đồng Nai với số lượng bị cáo và luật sư tham dự lên đến hàng trăm người.
Do số lượng người tham dự quá đông nên phiên tòa được bố trí tại hội trường Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai (số 1 Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, Tp.Biên Hòa). Thời gian làm việc buổi sáng bắt đầu lúc 8h và buổi chiều bắt đầu lúc 14h, diễn ra liên tục từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Dự kiến, thời gian xét xử sơ thẩm kéo dài từ 45 - 60 ngày.
Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Phiên tòa có 74 bị cáo; 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; 81 luật sư và 43 người làm chứng tham gia. Theo dự kiến, có hơn 600 người trực tiếp tham gia phiên tòa. Phóng viên báo chí theo dõi qua màn hình truyền hình trực tiếp tại hội trường Thư viện tỉnh Đồng Nai (trong khuôn viên trung tâm hội nghị).
Ngoài ra, hội trường Thư viện Đồng Nai (trong khuôn viên trung tâm) được bố trí cho những người liên quan, người tham gia phiên tòa: luật sư, người có liên quan, các phóng viên báo chí theo dõi phiên tòa qua màn hình được truyền hình trực tiếp.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Tp.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh, đóng tại Tp.HCM) cùng Đào Ngọc Viễn điều hành Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (Tp.Hải Phòng) cấu kết với một số cán bộ để tổ chức buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Cụ thể, Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh cảnh sát biển), Phạm Hùng Cường (chưa rõ lai lịch) có mối quan hệ quen biết từ trước.
Vào tháng 5/2019, Viễn, Hữu, Cường và Thoại gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền vốn 53,4 tỷ đồng. Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này, tìm khách hàng tiêu thụ xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ, phục vụ hoạt động buôn lậu.
Đến cuối năm 2019, Hữu tìm được mối tiêu thụ xăng từ chỗ Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vân Trúc, tỉnh Bình Dương).
Theo thỏa thuận, Viễn có trách nhiệm sử dụng tàu trọng tải 3.000 – 5.000 tấn vận chuyển xăng từ Singapore về 2 điểm thuộc vùng biển Việt Nam (giá chuyên chở từ 1,6-2,6 tỷ đồng/chuyến).
Sau đó, Hữu điều động tàu khác vận chuyển xăng đến khu vực nhà nuôi yến của Tứ (trên sông Hậu, thuộc TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để bán cho Tứ và vợ chồng Vân (giá chuyên chở 1 tỷ đồng/chuyến). Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, số tiền bị can Viễn đã thu lợi bất chính là hơn 46,7 tỷ đồng.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh cũng xác định, nhiệm vụ thanh toán tiền và liên hệ mua xăng đều do Hữu thực hiện. Việc giao nhận xăng được thực hiện vào ban đêm và thường xuyên thay đổi kênh liên lạc để tránh bị phát hiện.
Cơ quan chức năng xác định, để nhập và tiêu thụ được nguồn xăng lậu khi tuồn vào Việt Nam, Hữu đã có sự giúp sức của 18 bị can khác. Trong suốt quá trình giao nhận xăng, Hữu không cho các thuyền viên trên tàu sử dụng điện thoại mà chỉ có thuyền trưởng được dùng điện thoại liên lạc với Hữu. Tổng số tiền thu lợi bất chính của Hữu từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021 là hơn 156,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Viễn còn cùng Phạm Hùng Cường, Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, Tp.Hải Phòng) góp vốn tổng cộng hơn 49 tỷ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Để thực hiện trót lọt việc buôn lậu tại đây, đã có 5 bị can khác cùng tham gia (là thuyền trưởng và thuyền phó các tàu vận chuyển xăng). Số tiền thu lợi bất chính Đức được hưởng là hơn 1,5 tỷ đồng.
Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu, Viễn cùng các đối tượng vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu trị giá gần 2.800 tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ, kê biên hơn 2,5 triệu lít xăng, 17 tàu thủy, 22 xe bồn, 65 điện thoại di động; tạm giữ số tiền hơn 221 tỷ đồng, kê biên 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở...
Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Thụy là Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bị xét xử về tội "Nhận hối lộ". Thụy đã nhận hơn 800 triệu đồng từ Hữu và đồng phạm để làm ngơ cho đường dây tội phạm này. Ngoài ra còn một số cá nhân trong lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng cũng được xác định có hành vi nhận hối lộ.
Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên thuộc diện được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Thành, đại diện VKS giữ quyền công tố là 4 kiểm sát viên chính thức. Ngoài ra, còn có nhiều thẩm phán, kiểm sát viên dự khuyết.