Đồng Nai xưa & nay: Địa danh Cây Chàm ở Biên Hòa

Bộ sách Biên Hòa sử lược toàn biên của tác giả Lương Văn Lựu, tập 1, có tựa nhỏ Trấn Biên cổ kính, NXB Thế giới tái bản năm 2014 có viết:

Cây Chàm:

“Đã sống từ mấy ngàn năm trước, to và cao nhất ở phía Tây Bắc trường Nữ tiểu học, bị trốc gốc sau trận dông ngày 24-7-1950, đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Vào năm 1969, địa danh “Cây Chàm” được lấy làm mỹ hiệu cho quán cơm do một nhà văn đứng khai thác tại gốc cũ, rất đắt hàng”.

Liên quan đến địa danh Cây Chàm/ Cây Tràm hiện nay tồn tại hai cách phát âm phụ âm đầu [tr], [ch] song song. Ngay trên đường Cách Mạng Tháng Tám, có bảng hiệu Cây Tràm là quán bán cháo trắng dùng với thịt kho tiêu mặn, cá cơm, hột vịt muối, dưa mắm mặn… (Trước đây chính là quán Bia Ông Mười nổi tiếng vì giá bình dân, một số món đơn giản). Nhưng ngay gần đó, chỗ quẹo lên cầu Mới có điểm bán cá cảnh bảng hiệu Cây Chàm.

Đáng nói là chủ hai điểm đều là người miền Nam, trong đó chủ quán cháo trắng là của vợ chồng anh ruột nhà văn Thu Trân, người Biên Hòa, mới in cuốn tiểu thuyết Người đi tìm hình dáng núi.

Trước đây ai cũng cứ tưởng đọc/ gọi/ viết Cây Chàm vì người miền Nam đọc Tràm thành Chàm, nhưng đích thị/ trúng là “chàm”.

Nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu đã có sự nhầm lẫn. Cây “chàm” mà ông nói là cây tràm, cây thân mộc. Còn địa danh “cây chàm” hiện nay là cây chàm trong sách Cây cỏ miền Nam của GS Phạm Hoàng Hộ có tên khoa học là Indigofera polygaloidea (sách in 1970, Bộ Quốc gia giáo dục - Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1970; trang 841). Phần mô tả chính là thân họ đậu, dài 3-6cm, hoa dày, chùm ngắn, đài có lông, trái hình trụ, có lông dài 1cm. Nơi có loại cây này tác giả ghi chỉ Biên Hòa.

Nhiều cụ sống ở các phường Hòa Bình, Quang Vinh cho biết, vùng quẹo Cây Chàm hiện nay, trước đây mọc nhiều cây chàm. Công dụng của loại cây này là để chế tạo thuốc nhuộm; về y học cổ truyền dân tộc, cây chàm chế ra được vị thuốc thanh đại. Sách Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi có viết về cây chàm trong mục từ vị thuốc thanh đại, có chàm, chàm hôi trắng.

Trong các loại màu áo nhuộm có màu chàm, màu đặc trưng, pha lẫn nhiều màu, nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc (có tập thơ cùng tên): “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” chính là áo nhuộm màu chàm này. Chính tác giả này còn có câu: “Con tao gan dạ anh hùng/ Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm” trong bài thơ Bà má Hậu Giang. 2 cây chàm và tràm khác nhau trong thơ Tố Hữu. Tác giả Lương Văn Lựu đã viết nhầm cây tràm cổ thụ là cây “chàm” bên cạnh Trường Nữ tiểu học (lúc đó) ở gần chợ Biên Hòa hiện nay.

Danh từ “cây tràm” phổ biến vì sau này ngoài cây tràm truyền thống (một trong các loại nguyên liệu tinh chế dầu khuynh diệp) còn nhập vào tràm cao sản, keo lá tràm… là loại cây lâm nghiệp thời gian thu hoạch nhanh, nhiều người tưởng là đọc sai âm đầu chữ tràm thành chàm; nhưng đúng là chàm.

Độ tin cậy cao là trong cuốn Địa danh hành chính - lịch sử - văn hóa Đồng Nai do ThS Trần Quang Toại chủ biên, NXB Đồng Nai, 2014; phần địa danh Lịch sử - văn hóa có mục từ Cây Chàm; phần hành chính không có mục từ này. Sách này viết: Xóm Cây Chàm nay thuộc P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Năm 1948 thực dân Pháp xây dựng bót Cây Chàm (…) Mậu Thân 1968, Thị ủy Biên Hòa bám trụ nhà ông Năm Miên ở Cây Chàm để chỉ đạo. Sau đó vượt sông qua căn cứ Thị ủy ở xã Hóa An.

Như vậy, định danh Cây Chàm đã rõ, nhưng sách Địa danh hành chính - lịch sử - văn hóa Đồng Nai không có “nhiệm vụ” giải thích vì sao là chàm mà không phải là tràm như tồn tại trong giao tiếp hiện nay và cả trong việc đề bảng hiệu.

Trần Chiêm Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/dong-nai-xua-nay-dia-danh-cay-cham-o-bien-hoa-af94562/