Đông Nam Á chạy đua chống dịch sau 'quả bom' lây nhiễm ở Malaysia

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải nhanh chóng áp đặt các biện pháp mạnh sau khi xem nhẹ những tác động của virus corona.

Nhiều tháng qua, một số quốc gia Đông Nam Á đã xem nhẹ những tác động của virus corona. Một số quan chức nói rằng việc cầu nguyện sẽ giúp xua tan căn bệnh. Những người khác lạc quan cho rằng khí hậu nóng bức của vùng nhiệt đới sẽ làm chậm sự lây lan của virus.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường lệ. Malaysia cho phép tổ chức những buổi sinh hoạt lớn. Thái Lan vẫn duy trì võ đài Muay Thái đông nghịt khán giả. Và ở các quốc gia không có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Indonesia và Myanmar, số người được xét nghiệm rất ít ỏi.

 Một tổ hợp các quán bar và câu lạc bộ đêm ở Bangkok vào ngày 16/3 trước khi chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch đóng cửa những nơi đông người. Ảnh: New York Times.

Một tổ hợp các quán bar và câu lạc bộ đêm ở Bangkok vào ngày 16/3 trước khi chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch đóng cửa những nơi đông người. Ảnh: New York Times.

Giờ đây, khi muộn màng nhận ra rằng virus đang lan rộng trên toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á nói trên mới bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn virus. Philippines và Malaysia đóng cửa các trường học, Thái Lan cho dừng hoạt động các doanh nghiệp và địa điểm giải trí. Sự chậm trễ này khiến các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với nguy hiểm. Tại một số quốc gia, số ca nhiễm gia tăng một cách đáng lo ngại trong khi hệ thống y tế chưa thể đương đầu với một đại dịch.

Giấu giếm người dân

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thừa nhận ông không để công chúng biết về sự nguy hiểm của Covid-19 để họ không hoảng loạn.

“Có những thứ chúng tôi tiết lộ và có những thứ chúng tôi không nói ra vì chúng tôi không muốn gây lo lắng và hoảng loạn”, ông Widodo nói hôm 13/3.

Ông Joko cũng từ chối tiết lộ kết quả xét nghiệm virus của mình hôm 16/3. Ông đã nói các phóng viên hãy hỏi bác sĩ của ông.

Bộ trưởng Giao thông Indonesia, ông Budi Karya Sumadi, đã có kết quả dương tính với virus. Hàng chục quan chức Indonesia khác phải xét nghiệm.

Tổng thống Joko cũng từ chối tiết lộ kết quả xét nghiệm của những người này.

 Các loại thuốc thảo dược truyền thống được cho là có thể ngăn Covid-19 được bán tại chợ Beringharjo, một điểm thu hút khách du lịch phổ biến ở Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: New York Times.

Các loại thuốc thảo dược truyền thống được cho là có thể ngăn Covid-19 được bán tại chợ Beringharjo, một điểm thu hút khách du lịch phổ biến ở Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: New York Times.

Người phát ngôn của đội phản ứng khẩn cấp với Covid-19 ở Indonesia, ông Achmad Yurianto, cũng không cung cấp kết quả xét nghiệm. Ông Yurianto chỉ nói rằng các quan chức này “vẫn khỏe”.

Sự minh bạch đã trở thành vấn đề được quan tâm ở khu vực này.

Giới chức y tế trên đảo Bali, Indonesia nói họ chỉ biết một phụ nữ Anh được điều trị tại đây dương tính với virus sau khi các quan chức ở Jakarta công bố vụ việc trên truyền thông.

Trước đó, 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus tại Indonesia chỉ biết họ đã nhiễm virus khi tổng thống tuyên bố điều này với cả nước.

Phủ nhận sự nguy hiểm của virus

Tại Philippines, nhiều người cáo buộc Tổng thống Rodrigo Duterte sử dụng virus này để che giấu tham vọng áp đặt thiết quân luật.

“Bất kể tổng thống muốn như thế nào đi nữa, ông ấy không nên dùng phương pháp độc đoán”, bà Etta Rosales, cựu chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền Philippines cho biết. “Độc tài không phải cách chữa khỏi virus”.

Sau khi ông Budi, Bộ trưởng Giao thông Indonesia, dương tính, Tổng thống Joko mới thừa nhận vấn đề và kêu gọi người Indonesia bắt đầu tự cách ly.

“Đây là lúc chúng ta làm việc, học và cầu nguyện tại nhà”, ông Joko nói.

 Người dân trên một chiếc xe buýt đông đúc ở Yangon, Myanmar hôm 17/3. Ảnh: New York Times.

Người dân trên một chiếc xe buýt đông đúc ở Yangon, Myanmar hôm 17/3. Ảnh: New York Times.

Các quốc gia khác vẫn phủ nhận sự nguy hiểm của virus này. Người phát ngôn của chính phủ Myanmar cho biết hôm 13/3 rằng việc không có ca dương tính nào là bằng chứng cho thấy virus chưa đến Myanmar.

“Covid-19 vẫn chưa đến Myanmar”, người phát ngôn U Zaw Htay nói với các phóng viên. “Lối sống và chế độ ăn uống của người Myanmar giúp chống lại virus corona”.

Một số nhân vật Phật giáo đã được thúc đẩy các biện pháp phi y học. Một nhà sư nổi tiếng nói rằng ăn một quả chanh và ba hạt cọ sẽ giúp tránh được virus. Một nhà sư khác kêu gọi ăn 7 hạt tiêu xay.

Thậm chí, một số bác sĩ còn lạc quan rằng đại dịch sẽ không đến Myanmar vì các hoạt động tôn giáo của quốc gia này.

“Myanmar vẫn an toàn vì đây là một quốc gia Phật giáo. Các cao tăng luôn cầu nguyện để đất nước được bình an”, bác sĩ Win Thandar Phyu, giám đốc bệnh viện đa khoa Bắc Okkalapa ở Yangon cho biết.

Vấn đề là cách tiếp cận không có căn cứ này cho phép virus lây lan mà không được phát hiện. Điều này tạo tiền đề cho một thảm họa ở nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu và trang bị kém như Myanmar.

Tỷ lệ xét nghiệm của Indonesia đã tăng lên trong những ngày gần đây, nhưng vẫn là một trong những quốc gia thấp nhất trên thế giới. Chỉ có khoảng 8,5 người được xét nghiệm trên một triệu người. Ca dương tính đầu tiên được phát hiện vào ngày 2/3. Hiện tại, Indonesia đã phát hiện 227 trường hợp nhiễm Covid-19.

Trong một bức thư gửi tổng thống, Diễn đàn nhà khoa học trẻ Indonesia, một hiệp hội các nhà khoa học, đã yêu cầu chính phủ hành động ngay lập tức. Nhóm này chỉ ra rằng số ca dương tính đã tăng theo cấp số nhân kể từ đầu tháng 3.

“Indonesia đang ở trong tình huống nguy hiểm vì việc trì hoãn hành động ngăn chặn sự lây lan của virus gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch”, các nhà khoa học cho biết. “Sự chậm trễ này có thể khiến tình hình dịch giống Italy và Iran hoặc thậm chí tệ hơn”.

"Tình hình đang diễn biến rất nhanh”

Những quốc gia khác cũng có số ca dương tính tăng đột biến.

Nhiều ca nhiễm có liên quan đến một cuộc họp Hồi giáo quốc tế gồm 16.000 người vào đầu tháng này tại Sri Petaling, một vùng ngoại ô của thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Sự kiện được ví như "quả bom" lây nhiễm khi những người tham gia sau đó trở về Singapore và Brunei và có kết quả dương tính. 700 người tham gia cuộc họp này cũng quay lại Indonesia và không có thêm biện pháp kiểm tra y tế nào.

Chỉ riêng hôm 16/3, 95 trong số 125 ca nhiễm mới phát hiện ở Malaysia có liên quan đến sự kiện này. Tính đến ngày 19/3, Malaysia đã phát hiện 790 ca nhiễm Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia ở Đông Nam Á áp dụng các biện pháp quyết liệt trong bối cảnh số ca dương tính tăng nhanh.

“Tình hình đang diễn biến rất nhanh”, Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO, cho biết hôm 17/3. “Chúng ta phải mở rộng nỗ lực ngay lập tức để ngăn virus lây lan rộng hơn”.

 Một trạm kiểm tra thân nhiệt ở San Mateo, Philippines vào 16/3, một ngày sau khi chính phủ ra lệnh phong tỏa để ngăn virus lây lan. Ảnh: New York Times.

Một trạm kiểm tra thân nhiệt ở San Mateo, Philippines vào 16/3, một ngày sau khi chính phủ ra lệnh phong tỏa để ngăn virus lây lan. Ảnh: New York Times.

Nhiều quốc gia đang chạy đua để áp đặt lệnh hạn chế đi lại và các biện pháp kiểm dịch như những nơi khác trên thế giới.

Tại Philippines, 60 triệu người - hơn một nửa dân số đất nước này- đang trong khu vực phong tỏa. Ở Malaysia, các cuộc tụ họp đông người bị cấm đến cuối tháng. Trường học, doanh nghiệp và nơi cầu nguyện cũng bị đóng cửa. Người Malaysia cũng bị cấm rời khỏi đất nước. Tại Thái Lan, Thủ tướng tuyên bố hoãn lễ hội mừng năm mới Songkran.

Tuy nhiên, đối với Indonesia, các biện pháp mạnh như các quốc gia láng giềng không hề được đem ra xem xét.

“Phong tỏa không phải là một phương án”, ông Achmad, người phát ngôn của Indonesia cho biết.

Mặc đồ khủng long T-Rex ra đường để tránh dịch bệnh Người dân ra ngoài vứt rác đã mặc trang phục khủng long để chống dịch covid-19. Ngay sau đó, cảnh sát Murcia đã bắt gặp người này và nhắc nhở hãy hạn chế ra đường.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dong-nam-a-chay-dua-chong-dich-sau-qua-bom-lay-nhiem-o-malaysia-post1061421.html