Đông Nam Á dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu trong những năm tới
Giới quan sát ngành cho biết, các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ là động lực chính cho thị trường LNG cho đến năm 2030.
Thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2022, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng vọt từ châu Âu khi khu vực này thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nhu cầu LNG của châu Âu dự kiến sẽ giảm trong một vài năm tới.
Tony Regan, Trưởng bộ phận khí đốt châu Á-Thái Bình Dương của công ty tư vấn năng lượng và lọc dầu NexantECA dự kiến nhu cầu LNG từ châu Âu sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, trước khi giảm vào năm 2030.
Việt Nam là một điểm sáng cho thị trường LNG. NexantECA dự báo nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới, phần lớn là do Quy hoạch điện VIII. Kế hoạch quy định tất cả các nhà máy than phải được chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế hoặc ngừng hoạt động đến năm 2050.
“Nhu cầu tăng trưởng rất mạnh trong vài năm tới, bởi vì 13 trong số các nhà máy điện mới được đề xuất trong kế hoạch sẽ sử dụng LNG và sau đó 10 nhà máy khác cũng sử dụng LNG. Điều đó sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ về năng lượng từ Việt Nam”, nhà phân tích Tony Regan cho biết.
Theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, Việt Nam từ lâu đã được xem là thị trường tăng trưởng LNG quan trọng do “tăng trưởng dân số và kinh tế mạnh mẽ”. Sự tăng trưởng đó dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng.
S&P Global ước tính, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 327 tỷ USD vào năm 2022 lên 760 tỷ USD vào năm 2030.
Theo dự báo của công ty phân tích và tư vấn Mordor Intelligence, thị trường LNG toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 74,60 tỷ USD vào năm 2023 lên 103,41 tỷ USD vào năm 2028.
Công ty năng lượng Shell cho biết, họ đã chứng kiến “sự tăng trưởng vượt bậc” trên thị trường LNG trong hai tháng qua và nhấn mạnh ba quốc gia sẽ là động lực chính, hai trong số đó đến từ Đông Nam Á.
Steve Hill, Phó chủ tịch điều hành của Shell Energy cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp cho ba quốc gia mới là Đức, Việt Nam và Philippines và tất cả đều là những thị trường LNG tiềm năng rất quan trọng”.
“Các thị trường này đã phá vỡ thách thức trong việc thực hiện nhập khẩu LNG và hiện có tiềm năng tăng trưởng lớn này”, ông cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng, các quốc gia này gần đây đã nhận được lô hàng đầu tiên, củng cố thêm nhiều tiến bộ cho tham vọng LNG.
Tương tự như vậy, S&P Global chia sẻ sự lạc quan rằng Đông Nam Á sẵn sàng trở thành thị trường hàng đầu cho khí đốt tự nhiên LNG.
Zhi Xin Chong, người đứng đầu các thị trường khí đốt và LNG tại châu Á mới nổi của S&P Global cho biết: “Đến năm 2033, nhu cầu LNG ở Đông Nam Á được dự báo là 73 triệu tấn mỗi năm, chiếm 12% thị trường LNG toàn cầu”. Theo dữ liệu do S&P Global cung cấp, điều này sẽ đánh dấu nhu cầu tăng gần gấp 4 lần so với năm 2022.
Trong khi đó, nguồn cung khí đốt trong nước tiếp tục sụt giảm, cùng với việc chuyển từ than sang khí đốt trong ngành điện sẽ là động lực chính cho câu chuyện tăng trưởng nhu cầu LNG.
“Các thị trường lớn nhất có thể là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore, vì những thị trường này đã nhập khẩu LNG trong một số năm”, ông cho biết.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, nhu cầu tại các thị trường này vẫn còn yếu và phụ thuộc vào giá cả ổn định. “Điều quan trọng là giá LNG vẫn ổn định và nguồn tài trợ trên toàn cầu sắp được cung cấp để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết”, ông cho biết.