Đông Nam Á gánh chịu tác động từ xung đột quân sự Nga - Ukraine
Các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề trên khắp Đông Nam Á buộc phải xem xét lại hoạt động kinh doanh vì đã bắt đầu cảm nhận được tác động do xung đột quân sự Nga - Ukraine đem lại.
Tập đoàn Thái Lan Charoen Pokphand Foods (CP Foods) nằm trong số doanh nghiệp bị tác động nặng nề. Họ vừa ký thỏa thuận mua 2 đơn vị chăn nuôi lợn của Nga vào tháng 8.2021 với giá 22 tỉ rúp (khoảng 300 triệu USD vào thời điểm đó).
CP Foods lập một công ty con tại Nga vào năm 2006, đến năm 2016 trở thành nhà sản xuất thịt lớn thứ 6 ở nước này.
Năm 2020, khoảng 70% trong tổng doanh thu 590 tỉ baht (18,1 tỉ USD) của CP Foods là từ thị trường bên ngoài Thái Lan. Tập đoàn có kế hoạch sử dụng Nga làm bàn đạp thâm nhập châu Âu, tăng cường hoạt động bên ngoài thị trường nội địa hiện rất nhiều đơn vị cạnh tranh. Nhưng rồi trừng phạt mà Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cùng một số nền kinh tế lớn khác áp đặt nhiều khả năng sẽ “bóp chết” thị trường Nga lẫn xuất khẩu từ Nga sang châu Âu.
Chuyên gia Athaporn Arayasantiparb thuộc công ty phân tích M Corp Review dự báo CP Foods sẽ cố gắng chuyển hướng sang thị trường châu Á như Thái Lan hay Singapore. Tuy nhiên, ông nhận định 2 thị trường này chỉ có 66 triệu dân - ít hơn châu Âu khoảng 9 lần - nên khó lòng tiêu thụ thịt nhiều.
Nga và Ukraine cũng là 2 nước sản xuất ngũ cốc và dầu thực vật lớn. Nhà sản xuất dầu cọ Singapore Wilmar International vào ngày 24.2 đã phải tạm đóng cửa 2 nhà máy ở Odesa do giao tranh nổ ra. Công ty tuyên bố: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là an toàn của nhân viên và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Nhiều cảng biển đóng cửa, dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại khu vực bị đình chỉ càng khiến vấn đề thêm trầm trọng. Công ty Singapore Olam International nay dự định tìm thêm nguồn cung lúa mì từ thị trường thay thế như Ấn Độ hay Úc.
“Những gì xảy ra ở Nga và Ukraine, ở thị trường ngũ cốc, lúa mì và dầu ăn đều có tác động toàn cầu”, giám đốc điều hành Olam Sunny Verghese cho biết.
Ở lĩnh vực hàng không, Singapore Airline ngày 28.2 đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Moscow. Các chuyến bay của Qantas Airways tránh không phận Nga khi bay đến London, thay vào đó bay qua Trung Đông khiến thời gian di chuyển kéo dài thêm 1 giờ. Thai Airways International lo ngại giá dầu thô tăng sẽ làm tăng thêm chi phí nhiên liệu của hãng.
Sóng gió còn quét qua cả ngành du lịch. Xung đột quân sự tại Ukraine có thể làm chệch hướng đà hồi phục du lịch ở Đông Nam Á.
Năm 2021, tập đoàn nhà hàng - khách sạn Thái Lan Minor International lỗ ròng năm thứ hai liên tiếp do đại dịch. Họ vẫn kỳ vọng năm 2022 sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng mặc dù tình hình gần đây làm giảm triển vọng tươi sáng.
Khoảng 134.000 khách du lịch nước ngoài đã đến Thái Lan trong tháng 1, 18% trong số này đến từ Nga - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Phòng Thương mại Thái dự báo lượng du khách Nga sẽ giảm tới 50% vì xung đột tại Ukraine.
“Từ khi Thái Lan tái mở cử du lịch không cần cách ly, du khách Nga chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số khách đến Phuket. Tôi chưa thấy tác động tức thì chẳng hạn như lượng khách Nga giảm, nhưng đã nhận được thông tin một số khách Nga không thể sử dụng thẻ tín dụng do các lệnh trừng phạt”, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket Bhummikitti Ruktaengam.
Trong khi đó, một liên doanh Việt - Nga khai thác dầu thô ở Biển Đông được cho sẽ chịu ít tác động vào lúc này. Pertamina của Indonesia và Rosneft của Nga cũng đang tiếp tục hợp tác xây dựng một nhà máy lọc dầu trên đảo Java.
Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ và châu Âu đã rút khỏi hàng loạt dự án dầu khí Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Kế hoạch cùng hoạt động kinh doanh của các đơn vị châu Á có lẽ sắp bị gián đoạn nghiêm trọng trong thời gian tới.
Các hãng thẻ thanh toán Visa, Mastercard dừng hoạt động tại Nga
Các hãng thẻ thanh toán Visa và Mastercard ngày 5.3 thông báo sẽ dừng hoạt động ở Nga, trở thành những doanh nghiệp Mỹ mới nhất tham gia chiến dịch đình chỉ kinh doanh với Moskva liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Mastercard cho biết "do bản chất chưa từng có của xung đột hiện nay và môi trường kinh tế không ổn định," hãng đã quyết định dừng dịch vụ mạng ở Nga.
Về phần mình, Visa cho biết sẽ "ngay lập tức" phối hợp với khách hàng và đối tác ở Nga để dừng mọi giao dịch Visa trong những ngày tới.
Trước đó, công ty thanh toán PayPal Holdings Inc đã đóng cửa các dịch vụ tại Nga, viện dẫn tình hình diễn ra hiện nay giữa Nga và Ukraine. Động thái này diễn ra sau khi nhiều công ty công nghệ và tài chính có hành động tương tự.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PayPal Dan Schulman cho biết “trong tình hình hiện tại, chúng tôi đang tạm ngừng dịch vụ PayPal ở Nga." Ông nói thêm rằng công ty "sát cánh với cộng đồng quốc tế trong việc phản đối hành động của Nga đối với Ukraine."
Người phát ngôn của PayPal cho biết công ty sẽ hỗ trợ rút tiền “trong một khoảng thời gian, đồng thời đảm bảo rằng số dư tài khoản được phân chia phù hợp với các luật và quy định hiện hành".
Việt Hải (TTXVN/Vietnam+)