Đông Nam Á là 'trái tim' trong chiến lược AĐD-TBD của Nhật

Theo chuyên gia, Nhật có thể sẽ mở rộng phạm vi phòng thủ tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi hợp lưu của hai đại dương mà trung tâm là khu vực Đông Nam Á.

Ngày 13-10, tờ South China Morning Post đăng bài phân tích của tác giả Akash Sahu - chuyên gia địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á về chiến lược mà Nhật sẽ áp dụng để phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mong muốn của Nhật

Theo ông Sahu, việc Nhật và Ấn Độ ký kết hiệp ước hậu cần quân sự mới theo thỏa thuận mua bán và trao đổi các dịch vụ vào tháng trước rất đáng được chú ý. Nhất là trong bối cảnh Nhật đang xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia và muốn thay đổi chính sách quốc phòng từ một thế hòa bình bị động sang chủ nghĩa hòa bình chủ động và đa phương.

Thông qua thỏa thuận với Ấn Độ, Nhật có khả năng mở rộng phạm vi phòng thủ của mình tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi hợp lưu của hai đại dương mà trung tâm là khu vực Đông Nam Á.

Tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đang lên kế hoạch thăm Đông Nam Á. Ảnh: REUTERS

Tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đang lên kế hoạch thăm Đông Nam Á. Ảnh: REUTERS

Trước đó, Nhật đã nhiều lần ủng hộ ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại tất cả các diễn đàn đa phương. Thuật ngữ này được cựu Thủ tướng Shinzo Abe sử dụng lần đầu tiên vào năm 2007.

Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato đã nhấn mạnh vai trò của các cuộc trao đổi ngoại giao trực tiếp và tái khẳng định Nhật ủng hộ "một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Thế "tiến thoái lưỡng nan" với Mỹ

Khu vực quan trọng nhất đối với an ninh của Nhật tất nhiên là khu vực lân cận của nước này.

Hoạt động dựa trên một hệ thống liên minh "khiên và giáo", trong đó Mỹ là cường quốc tấn công và Nhật là cường quốc phòng thủ. Liên minh Mỹ - Nhật có ý nghĩa nổi bật trong chiến lược an ninh của Tokyo ở mọi cấp độ.

Tuy nhiên, các hành động của Mỹ trên các mặt trận quốc tế gần đây đã khiến Tokyo nghi ngờ về các cam kết của Washington. Đơn cử, Mỹ đang đang rút khỏi Afghanistan, Đức và các khu vực chiến lược khác. Trong khi đó, ở Đông Á, Mỹ đôi khi gọi Nhật là một nước tự do nhưng lại không tự lo được an ninh của mình.

Mặc dù vì lợi ích của mình, Mỹ sẽ không nhanh chóng rút khỏi khu vực nhưng nhiều khả năng Washington sẽ thắt chặt ngân sách của mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc ai chiến thắng cuộc bầu cử năm nay, nhưng Nhật luôn thấy khó khăn khi phải thỏa thuận với các tổng thống Mỹ.

Bà Titli Basu - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (Ấn Độ) và là một chuyên gia an ninh Nhật, viết rằng "tình thế tiến thoái lưỡng nan đã buộc Nhật vốn là một cường quốc, phải xoay xở để không bị bỏ rơi và dính bẫy".

ASEAN - điểm đến triển vọng?

Thủ tướng mới đắc cử Yoshihide Suga đang lên kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam và Indonesia.

Trước đó, Nhật đã có những bước tiến dài trong việc trở thành một trong những nước được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) yêu thích nhất.

Các khoản hỗ trợ tài chính của Tokyo trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và vai trò gìn giữ hòa bình trong các cuộc xung đột khu vực đã giúp Nhật có được sự tin tưởng cao trong ASEAN.

Các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á trị giá 367 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với mức 255 tỉ USD của Trung Quốc.

Ông Parag Khanna, người sáng lập công ty cố vấn chiến lược FutureMap, cho biết sự phát triển của Đông Nam Á về mặt kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị là những yếu tố thu hút sự chú ý của Tokyo.

Trong khi Nhật đang tìm cách chuyển đổi cơ sở sản xuất để hạn chế phụ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế, Đông Nam Á có thể là điểm đến sinh lợi nhất. Và Việt Nam và Indonesia - hai thành viên quan trọng của ASEAN đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thông qua các cải cách của chính phủ Indonesia, các công ty Nhật như Panasonic và Sagami Electric đã dời các nhà máy trị giá 850 triệu USD khỏi Trung Quốc để đến Indonesia.

Sau đại dịch, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,8% và Indonesia là 5% vào năm 2021, trong khi mức tăng trưởng chung của khu vực dự kiến là 4,7%.

Ngoài ra, với vai trò từng là chánh thư ký nội các của ông Abe, ông Suga được tin tưởng sẽ tiếp nối tầm nhìn của người tiền nhiệm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước đó, ông Abe đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam, Thái Lan và Indonesia sau khi ông trở thành thủ tướng vào năm 2012.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dong-nam-a-la-trai-tim-trong-chien-luoc-addtbd-cua-nhat-943666.html