Đông Nam Á quyết không biến thành 'bãi rác' của phương Tây
Sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm đầu năm 2018, Đông Nam Á trở thành đích đến thay thế cho rác thải, chủ yếu từ phương Tây, điều mà các nhà hoạt động xem là 'bất công môi trường'.
Trong một năm qua, rác thải của thế giới dần tập trung đổ về bờ biển Đông Nam Á. Những thùng rác từ phương Tây đã tích tụ tại các cảng của Philippines, Indonesia và Việt Nam trong khi những bãi rác thải nhựa độc hại khổng lồ nguồn gốc từ châu Âu và Mỹ mọc lên trên khắp Malaysia.
Song dường như chuyện này sẽ không kéo dài thêm nữa, khi các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố trả rác về nơi ban đầu, theo Guardian.
Phản kháng mạnh mẽ
Tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Canada nếu chính phủ nước này không đồng ý nhận lại 69 container chứa 1.500 tấn rác thải đã được xuất sang Philippines vào năm 2013 và 2014.
Canada thậm chí từ chối thừa nhận vấn đề này trong nhiều năm nhưng khi tranh chấp leo thang, ông Duterte tuyên bố rằng nếu Ottawa không hành động nhanh chóng, Philippines sẽ đem rác đến đổ ở vùng biển thuộc Canada.
"Là một quốc gia độc lập có chủ quyền, Philippines không thể để nước ngoài coi là rác rưởi", người phát ngôn của tổng thống, Salvador Panelo, cho biết.
Tuyên bố hùng hồn đó là biểu hiện của sự phản kháng mạnh hơn trên toàn khu vực, bắt đầu vào năm ngoái khi Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều đưa ra luật ngăn chặn chất thải ô nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào cảng của họ.
Ngày 23/4, chính phủ Malaysia công bố kết luận điều tra cho thấy rác thải từ Anh, Australia, Mỹ và Đức được đưa vào nước này một cách bất hợp pháp, thông qua việc khai báo gian dối.
"Malaysia sẽ không trở thành bãi rác của thế giới. Chúng tôi sẽ đưa (rác thải) trở lại các quốc gia ban đầu", Bộ trưởng môi trường Malaysia, bà Yeo Bee Bin, tuyên bố.
Bà ấy đã thực hiện đúng cam kết. Năm container rác bất hợp pháp từ Tây Ban Nha, được phát hiện tại một cảng của Malaysia, vừa được trả lại hôm 21/5 và bà Yeo dự kiến công bố nhiều vụ gửi trả khác.
Nhiều người tin rằng đây là cách duy nhất mà các nước, chủ yếu ở phương Tây, cuối cùng sẽ buộc phải đối đầu với các vấn đề về rác thải của chính họ, thay vì tạo thêm gánh nặng cho các nước đang phát triển.
Chỉ có 9% nhựa trên thế giới được tái chế, phần còn lại dồn ứ tại các bãi rác trên khắp Đông Nam Á hoặc bị thiêu hủy bất hợp pháp, thải ra khói độc. Năm 2018, các nhà vận động ở Indonesia phát hiện rác thải nhập khẩu bất hợp pháp được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò trong một nhà máy đậu phụ.
"Đây là một bước đi đúng đắn của chính phủ Malaysia, để cho thế giới thấy rằng chúng tôi nghiêm túc trong việc bảo vệ biên giới của mình để nó không trở thành bãi rác", Mageswari Sangaralingam, cán bộ nghiên cứu tại Hiệp hội Người tiêu dùng Penang và Friends of the Earth Malaysia, cho biết. Cô nói một lượng đáng kể rác thải nhựa đi vào Malaysia "bị ô nhiễm, hỗn tạp và chất lượng thấp", có nghĩa là chúng không thể được xử lý và cuối cùng nằm ở các bãi rác độc hại khổng lồ.
"Bất công môi trường"
Vấn đề bắt đầu ở Đông Nam Á vào đầu năm 2018 sau khi Trung Quốc ngừng nhận rác thải nhựa và tái chế từ những nơi khác trên thế giới do những quan ngại về môi trường. Lệnh cấm triệt để này có vấn đề: Năm 2016, Trung Quốc đã xử lý ít nhất một nửa lượng xuất khẩu nhựa, giấy và kim loại trên thế giới để lấp đầy 10.000 bể bơi Olympics.
Trước lệnh cấm của Trung Quốc, các tập đoàn tư nhân xử lý rác thải cho chính phủ các nước bắt đầu đổ xô đến các quốc gia khác. Với việc phần lớn lượng rác được chuyển qua Hong Kong, thì khu vực Đông Nam Á lân cận và có quy định lỏng lẻo đã trở thành đích đến thay thế hấp dẫn cho rác thải.
Malaysia đã hứng đòn từ lượng rác thải bị chuyển hướng này. Theo Greenpeace, lượng rác thải nhựa tuồn vào Malaysia tăng từ 168.500 tấn trong năm 2016 lên 456.000 tấn chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, chủ yếu đến từ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Australia và Mỹ.
Công ước Basel, một thỏa thuận đa phương về xử lý chất thải trên toàn cầu, đã được sửa đổi trong tháng này để cấm việc đưa rác thải nhựa ô nhiễm và không thể tái chế đến các nước đang phát triển mà không có sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, điều này đến năm 2020 mới có hiệu lực và không phải tất cả các nước Đông Nam Á đều là thành viên ký kết của công ước.
Tuy nhiên, ngay cả khi các chính phủ Đông Nam Á bắt đầu giải quyết vấn đề, rác thải vẫn tiếp tục được đưa đến. Tại Indonesia, 60 container chất thải độc hại từ nước ngoài đã nằm tại một cảng trên đảo Riau trong 5 tháng qua. Tuần trước, những thùng rác vụn đô thị từ Australia xuất hiện ở Philippines, được dán nhãn là nhiên liệu nhằm qua mặt hải quan. Các quan chức hải quan Philippines xác nhận họ đang làm việc để trả lại số rác này.
Beau Baconguis, thành viên GAIA châu Á - Thái Bình Dương, liên minh các tổ chức phi chính phủ về rác thải, đã chỉ ra việc làm thế nào các nước phát triển phương Tây vẫn chỉ sẵn sàng nhận lại rác thải của chính họ "một cách bất đắc dĩ".
"Đây là rác thải của họ, vì vậy các nước này phải chịu trách nhiệm", ông Baconguis nói. "Đối với chúng tôi, việc các nước nghèo phải tiếp nhận rác thải của các nước giàu, chỉ vì các nước giàu không muốn giải quyết vấn đề, là một sự bất công về môi trường. Vì vậy, hy vọng khi rác của họ được gửi trở lại, cuối cùng các quốc gia này sẽ buộc phải hành động ngay tại cửa nhà mình".