Đông Nam Á trên bàn cờ thương mại mới - Bài 1: Sự tham gia chiến lược

Chính sách thuế quan đối ứng của Chính phủ Mỹ đã đóng vai trò như một chất xúc tác, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nhanh chóng các khối thương mại trong khu vực châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á.

Một cửa hàng tại chợ truyền thống ở Jakarta. Ảnh: Đỗ Quyên – PV TTXVN tại Indonesia

Một cửa hàng tại chợ truyền thống ở Jakarta. Ảnh: Đỗ Quyên – PV TTXVN tại Indonesia

Trang thediplomat.com có bài phân tích về việc Đông Nam Á đã nhanh chóng trở thành trung tâm của các liên minh thương mại mới, với sự tham gia chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực. Các thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đồng thời đẩy mạnh thương mại nội khối, đa dạng hóa đối tác và nâng cấp các thỏa thuận để tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Xu hướng này phản ánh sự trỗi dậy của các cường quốc tầm trung, với vai trò ngày càng rõ nét trong việc định hình một trật tự thương mại toàn cầu đa cực và tự do hơn. Nội dung chính của bài viết như sau:
Chính sách thuế quan đối ứng của Chính phủ Mỹ đã đóng vai trò như một chất xúc tác, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nhanh chóng các khối thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Đông Nam Á.

Diễn biến mạnh mẽ trong chính sách thương mại toàn cầu sau tuyên bố của Mỹ về các mức thuế đối ứng (và sau đó đã tạm ngừng) đã mở ra những tác động sâu sắc đối với lộ trình phát triển trong tương lai của thương mại quốc tế. Trong bối cảnh ấy, Đông Nam Á nổi bật như một điểm sáng, nhờ vào việc khu vực này đang tích cực tham gia vào nhiều liên minh đa phương cũng như các mối quan hệ đối tác song phương mới. Ba trung tâm quyền lực thương mại lớn – gồm EU, Trung Quốc và GCC – đã lần lượt vươn lên, thể hiện rõ tham vọng thúc đẩy thương mại chiến lược với khu vực Đông Nam Á. Những nỗ lực này đang được bổ trợ bởi các sáng kiến nhằm củng cố các mối quan hệ sẵn có giữa các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả việc tận dụng quá trình số hóa để đẩy mạnh thương mại nội khối.
Các quốc gia Đông Nam Á – vốn bị Mỹ áp một số mức thuế quan đối ứng cao nhất – được kỳ vọng sẽ chủ động tìm cách đa dạng hóa mạng lưới đối tác thương mại của mình. Dẫu vậy, các cường quốc thương mại hàng đầu thế giới – với EU, Trung Quốc và GCC dẫn đầu – đã đi trước một bước, thể hiện rõ quyết tâm mở rộng các mối quan hệ đối tác mới với khu vực này.
Động lực cho sự tiếp cận này không chỉ bắt nguồn từ năng lực sản xuất hoặc xuất khẩu của khu vực, mà còn từ vai trò ngày càng tăng của khu vực này với tư cách là thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu. Chính vai trò đó đã góp phần làm nổi bật tiềm năng kinh tế đáng kể của Đông Nam Á, yếu tố đang tích cực tái định hình lợi thế cạnh tranh của khu vực, đồng thời tạo ra những thay đổi lớn trong quan hệ thương mại toàn cầu. Quan hệ thương mại quốc tế có vẻ sẽ được củng cố ở khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa, bất kể "số phận" của các mức thuế quan đối ứng của Mỹ.
Sự phát triển trong thương mại toàn cầu
Khi thời hạn tạm dừng 90 ngày đối với các biện pháp thuế quan đối ứng của Mỹ sắp kết thúc vào ngày 9/7, những lo ngại ban đầu về khả năng sụp đổ của trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Thay vào đó, câu chuyện đang được định hình bởi sự đồng thuận quốc tế về tầm quan trọng cốt lõi của một hệ thống thương mại đa phương. Từ cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Phó Thủ tướng Singapore Gan Kim Yong, nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu đã lên tiếng công khai ủng hộ việc xây dựng các liên minh mới, không chỉ nhằm bảo vệ mà còn để mở rộng một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Như một minh chứng cho sự đa dạng của các liên minh đang nổi lên, ASEAN gần đây đã cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đưa ra một tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của nhóm đối với chủ nghĩa đa phương trong thương mại.
Việc tiếp tục ưu tiên một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, toàn diện, công bằng và minh bạch cho thấy giá trị then chốt được đặt vào nguyên lý cốt lõi của thương mại tự do: hiện thực hóa lợi ích kinh tế thông qua việc theo đuổi lợi thế so sánh xuyên biên giới. Những rủi ro bắt nguồn từ xu hướng bảo hộ không chỉ giới hạn trong các mức thuế trực tiếp, mà còn nằm ở những tác động lan tỏa thứ cấp của chúng – bao gồm cả khả năng suy giảm chung trong nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa đến từ các nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Chính vì vậy, các quốc gia đang ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng thiết yếu của việc củng cố và duy trì thương mại tự do, đồng thời tích cực xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Khi các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu tái cơ cấu các ưu tiên thương mại của mình, Đông Nam Á đang nhanh chóng nổi lên như một điểm hội tụ chiến lược trong tiến trình hội nhập này. Trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm Mỹ công bố các mức thuế đối ứng vào ngày mà Tổng thống Mỹ gọi là Ngày Giải phóng (2/4/2025), ba xu thế thương mại rõ nét đã dần hình thành tại khu vực Đông Nam Á: sự đa dạng hóa các đối tác thương mại, sự trỗi dậy của các trung tâm quyền lực thương mại mới, và sự chú trọng ngày càng lớn vào thương mại nội khối trong khuôn khổ ASEAN.
Xây dựng các liên minh đa phương mới
Các quốc gia Đông Nam Á hiện đang tích cực theo đuổi những mối quan hệ đối tác thương mại chưa từng được khai thác trước đây, nhằm hình thành các liên minh mới hoặc tiếp tục củng cố, phát triển dựa trên các khối kinh tế hiện hữu và các hiệp định thương mại đa phương đang có hiệu lực.
Một ví dụ điển hình là việc Malaysia đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-GCC-Trung Quốc lần đầu tiên vào ngày 27/5. Dù chưa chính thức hình thành một liên minh có tính ràng buộc về mặt pháp lý, song đây là lần đầu tiên nhóm các quốc gia này – vốn đại diện cho hơn 20% tổng GDP toàn cầu – tập hợp lại để cùng nhau theo đuổi các mục tiêu thương mại chung. Ba hướng hợp tác chính đang được nhóm này kỳ vọng sẽ triển khai bao gồm: nâng cấp Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) lên phiên bản 3.0; tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - GCC; và một cách gián tiếp là thúc đẩy Hiệp định Thương mại Tự do giữa Trung Quốc và GCC.
Ở một hướng khác, trong một tuyên bố chung gần đây, các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã công bố ý định khởi động các cuộc đối thoại thương mại với EU và ASEAN. Đây là một bước tiến mang tính hợp tác mới mẻ hơn đối với EU so với ASEAN, bởi ASEAN đã có sự "chồng lấn" về thành viên với CPTPP thông qua sự tham gia của Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Dù khả năng EU trở thành thành viên chính thức của CPTPP vẫn còn nhiều trở ngại, nhưng có thể kỳ vọng vào một sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn trong việc tháo gỡ các rào cản thương mại, điều phối các phản ứng đối với chính sách thuế quan của Mỹ, cũng như hài hòa hóa các quy tắc trong những lĩnh vực thương mại mới nổi như thương mại kỹ thuật số và phát triển bền vững.
Một khối thương mại khác cũng đang thu hút sự chú ý và được đánh giá là có tiềm lực đáng gờm về mặt kinh tế là ASEANAUK – liên kết không chính thức giữa ASEAN, Vương quốc Anh và Australia. Khối này đang được kỳ vọng sẽ tập trung vào các mục tiêu chủ chốt như thúc đẩy an ninh kinh tế và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. CPTPP sẽ đóng vai trò là nền tảng khởi đầu quan trọng, khi Vương quốc Anh, Australia cùng với 4 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN hiện đã thuộc về khối thương mại xuyên Thái Bình Dương này.

Quang Trung/BNEWS/Vnanet.Vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-nam-a-tren-ban-co-thuong-mai-moi-bai-1-su-tham-gia-chien-luoc/378934.html