Kinh tế Hà Nội tăng trưởng tốt trong bối cảnh cải cách toàn diện

Trong bức tranh kinh tế nhiều biến động nửa đầu năm 2025, Hà Nội đã thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế với những dấu ấn nổi bật về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cải cách thể chế và tăng trưởng kinh tế. Hà Nội không chỉ đứng đầu cả nước về thu hút FDI, mà còn cho thấy nỗ lực toàn diện trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hạ tầng và sắp xếp bộ máy hành chính, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Diện mạo TP Hà Nội ngày nay. Ảnh: Duy Minh

Diện mạo TP Hà Nội ngày nay. Ảnh: Duy Minh

GRDP quý I tăng 7,35%, cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới liên tục xuất hiện nhiều diễn biến mới, khó khăn, thách thức hơn. Xung đột, căng thẳng leo thang, kéo dài tại Nga - Ucraina, Trung Đông… Chiến tranh thương mại toàn cầu diễn ra khi Mỹ áp thuế đối ứng lên nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn đã đáp trả mạnh mẽ.

Trong nước, TP Hà Nội quyết liệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tăng trưởng GRDP quý I khá cao tạo tiền đề thực hiện hoàn thành mục tiêu năm 2025 tăng trưởng 8% trở lên.

Cụ thể, GRDP quý I đạt được khá tích cực, tăng trưởng gấp 1,35 lần so với cùng kỳ và cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm. GRDP tăng 7,35% (cùng kỳ tăng 5,44%; kịch bản đề ra đầu năm là 7,21%). Trong đó, các ngành đều tăng khá cao: dịch vụ tăng 8,34% - gấp 1,4 lần cùng kỳ (5,98%), cao hơn kịch bản đầu năm (8,05%); công nghiệp tăng 5,36%, xây dựng tăng 5,9% - đều cao hơn cùng kỳ.

Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 54,9%, đạt 73,5% dự toán, thu tiền sử dụng đất tăng 595,3%, đạt 165,5% dự toán; chi ngân sách địa phương tăng 42,2%, đạt 32,9% dự toán.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ: xuất khẩu tăng 13,8% (cùng kỳ tăng 11,0%); nhập khẩu tăng 12,6% (cùng kỳ tăng 14,9%). Vốn đầu tư phát triển xã hội tăng khá; 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 11,64% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, thu hút FDI đạt kết quả ấn tượng, tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố. 6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội thu hút 3,677 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024, đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Lũy kế đến nay, thu hút vốn FDI của Thành phố đạt 61,47 tỷ USD - một con số cho thấy sức hấp dẫn đầu tư dài hạn của Thủ đô.

Du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ với lượng khách quốc tế tăng 23%, tổng thu từ khách du lịch tăng 14,6%. Công suất sử dụng phòng đạt gần 63% - mức phục hồi tích cực sau dịch.

Công tác chuyển đổi số chuyển biến tích cực; Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Hà Nội tăng liên tục 3 năm, tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay; xếp hạng nhất trong cả nước về chỉ số công nghiệp CNTT, giữ vị trí thứ 2 trong bảy năm liên tiếp về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, đứng đầu về chỉ số quản trị điện tử và dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024.

Nỗ lực gỡ “nút thắt” thể chế và hạ tầng

Đáng chú ý, TP Hà Nội đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...; đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn: khởi công dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư gần 20,2 nghìn tỷ đồng); đẩy nhanh giải ngân các dự án như: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đã giải ngân 16,4% kế hoạch vốn); đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) (đã giải ngân 51,2% kế hoạch vốn); Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (đã giải ngân 19,6% kế hoạch vốn); tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (đã giải ngân 29,5% kế hoạch vốn); và dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (đã giải ngân 37,2% kế hoạch vốn).

Thành phố đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành đúng kế hoạch và đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Song song với phát triển hạ tầng, Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách hành chính. Thành phố đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý từ cấp sở đến xã, với việc giảm 6 sở, 4 chi cục, 48 phòng cấp sở và 61 phòng cấp quận/huyện. Từ ngày 1/7, 126 xã, phường mới sẽ đi vào vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu quả điều hành.

Định hình một tầm nhìn phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội

Tình hình thế giới dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo, nhiều biến động lớn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, gia tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu; niềm tin, tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư suy giảm, dòng vốn đầu tư có dấu hiệu rút lui vào các tài sản an toàn.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức gia tăng cũng là cơ hội, động lực đối với cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để quyết tâm thực hiện hiệu quả những cải cách và nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội tập trung hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ để duy trì tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành; kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp; cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển, đảm hoạt động thông suốt.

Tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng và người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy trong các đơn vị hành chính.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật và triển khai thực hiện “bộ tứ trụ cột” về: Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030.

TP Hà Nội tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2025. Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; Tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm như: Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.

TP sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng và bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực và tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án xử lý rác thải, nước thải; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị tốt tổ chức Đại hội đảng cấp xã, Đại hội lần thứ XVIII đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng, biến quá trình chuẩn bị thành một cuộc tổng động viên trí tuệ, tinh thần và khát vọng phát triển để từ đó định hình một tầm nhìn mới cho Thủ đô trong thời đại mới.

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-ha-noi-tang-truong-tot-trong-boi-canh-cai-cach-toan-dien.757146.html