Đông Nam Á và cuộc chiến Mỹ-Trung trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời

Tương lai của ngành năng lượng Mặt trời đang bùng nổ của Đông Nam Á đang bị đặt dấu hỏi, khi Mỹ có khả năng sẽ áp thuế quan cao đối với sản phẩm nhập khẩu từ khu vực này.

Những tấm pin năng lượng Mặt Trời tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Những tấm pin năng lượng Mặt Trời tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Các công ty Trung Quốc thành lập nhà máy tại Đông Nam Á trong 10 năm qua đang bị cáo buộc "đi vòng" để lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Ít nhất đã có ba công ty, trong đó có Longi Green Energy Technology Co. và Trina Solar Co., đã thu hẹp hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Cùng với Campuchia, những nước này đang lọt vào tầm ngắm của Mỹ.

Bà Yana Hryshko, trưởng bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng Mặt trời toàn cầu của Wood Mackenzie Ltd, cho biết một số nhà sản xuất Trung Quốc đang chờ mức thuế mà Mỹ đưa ra trước khi quyết định xem họ có cần di dời cơ sở sản xuất hay không. Theo BloombergNEF, bốn nước trên chiếm hơn 40% công suất sản xuất mô-đun năng lượng Mặt trời bên ngoài Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng năng lượng sạch đang đối mặt với nguy cơ bị xáo trộn, trong bối cảnh Mỹ, châu Âu và các nước khác đang tìm cách giành lại một phần thị trường từ Trung Quốc, vốn là nước đang thống trị hoạt động sản xuất thiết bị năng lượng Mặt trời cũng như pin xe điện. Các công ty năng lượng Mặt trời Trung Quốc cũng đang vật lộn với tình trạng dư cung ngày càng gia tăng ở trong nước, yếu tố đã khiến một số công ty nhỏ phá sản.

Một cuộc điều tra của Mỹ vào tháng Tám năm ngoái kết luận rằng một số nhà sản xuất Trung Quốc đã có hành vi lách thuế (bất hợp pháp) mà Mỹ áp đặt đối với tấm pin Mặt trời nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Các công ty này đã bắt đầu đầu tư vào Đông Nam Á sau khi Mỹ áp thuế trên vào năm 2012. Kết luận này dẫn đến việc đánh thuế nhập khẩu ở các mức độ khác nhau đối với 5 công ty trong khu vực Đông Nam Á.

Một số doanh nghiệp Mỹ hiện đang yêu cầu chính phủ nước này đánh thuế cao hơn lên đến 272% đối với tất cả các sản phẩm năng lượng Mặt trời từ bốn quốc gia nói trên. Trước đó, hồi tháng 5/2024, BloombergNEF cho biết các mức thuế này có thể nằm trong khoảng 30% đến 50%. Mức thuế mà Mỹ áp dụng cho mặt hàng này của Trung Quốc là 25% và Mỹ đang có ý định nâng lên gấp đôi.

Mỹ đã tiến gần hơn đến việc áp thuế đối với các sản phẩm pin Mặt trời từ Đông Nam Á vào tháng 6/2024, khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ thông qua một cuộc bỏ phiếu ban đầu, theo đó kết luận các nhà sản xuất Mỹ đang bị tổn hại bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ khu vực này. Lượng tấm pin năng lượng Mặt trời mà Mỹ nhập khẩu từ Đông Nam Á đã tăng 36% lên mức cao kỷ lục trong quý trước, khi người mua giành giật nguồn cung trước khi thời kỳ miễn thuế kết thúc.

Truyền thông Trung Quốc và Malaysia cho biết Trina đang lên kế hoạch giảm công suất tại Đông Nam Á, còn Jinko Solar Co. đã đóng cửa một nhà máy tại Malaysia.

Người phát ngôn viên của Longi hồi tháng Sáu vừa qua cho biết công ty đã điều chỉnh kế hoạch sản lượng tại một số nhà máy, một phần là do những thay đổi về chính sách thương mại. Longi cho biết nhà máy của họ tại Malaysia vẫn đang xuất khẩu sản phẩm pin Mặt trời sang Mỹ và không có kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất vì nhu cầu từ các thị trường khác như Ấn Độ và Canada sẽ đủ để hỗ trợ các nhà máy ở Đông Nam Á.

Khánh Ly (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-nam-a-va-cuoc-chien-my-trung-trong-linh-vuc-nang-luong-mat-troi/344479.html