Đồng nghiệp thương tiếc biên kịch 'Cánh đồng bất tận', 'Gái nhảy' qua đời
Nhà biên kịch Ngụy Ngữ đã rời cõi tạm, đi về phía 'Cánh đồng bất tận' sau thời gian chống chọi căn bệnh ung thư thực quản.
Đồng nghiệp tiếc thương tiễn biệt
Bà Nguyễn Ngọc Phân - vợ của nhà biên kịch Ngụy Ngữ cho biết, chồng qua đời tại nhà riêng vào sáng 9/9. Ông ra đi trong vòng tay gia đình, sau thời gian chống chọi nhiều bệnh, trong đó có ung thư thực quản, hưởng thọ 76 tuổi.
Linh cữu quàn tại chùa Xá Lợi, quận 3, TP HCM, lễ viếng từ ngày 10/9, sau đó ông được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Theo nhà văn Tô Hoàng, biên kịch Ngụy Ngữ được bạn đồng nghiệp quý mến, thương yêu bởi sự thẳng thắn, trung thực, ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời và công việc.
"Trước hết, anh là một nhà văn trước năm 1975. Ngòi bút của anh đã để lại những truyện ngắn thấm đẫm lòng yêu nước, tinh thần phản chiến, giàu ngôn ngữ văn chương và phong cách riêng. Một trong những truyện ngắn ấy - "Con thú tật nguyền" đã được Đạo diễn Việt Kiều Hồ Quang Minh chuyển lên màn ảnh thành bộ phim nhựa cùng tên. Bộ phim trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của thập kỷ 1980.
Trở thành biên kịch của Hãng phim Giải phóng, anh viết không nhiều nhưng để lại dấu ấn trong những bộ phim nhựa, phim truyền hình như: " Ai xuôi vạn lý", " Bụi hồng", "Cánh đồng bất tận ", "Mẹ con Đậu đũa"...
Bạn hữu, đồng nghiệp quý mến, thương yêu anh bởi sự thẳng thắn, trung thực, ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời và công việc, sự nghiêm khắc, đòi hỏi cao với từng dòng chữ, từng khuôn hình trên phim... Vĩnh biệt bạn tôi, Ngụy Ngữ!", nhà văn Tô Hoàng xúc động.
Nhà biên kịch Châu Quang Phước bày tỏ: "Biết đến chú qua dự án "Cánh đồng bất tận", lúc còn là kịch bản do chú chuyển thể. Đó là một kịch bản mà tôi cực kỳ ấn tượng, với một chi tiết có lẽ thuộc hàng đắt giá nhất trong những kịch bản phim từng đọc; Một sáng tác của riêng nhà biên kịch khi chuyển thể từ một tác phẩm văn học, hoàn toàn không có trong tác phẩm gốc… Kính tiễn chú!".
Phim "Cánh đồng bất tận" do Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn, dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ninh Dương Lan Ngọc với vai Nương trong phim đã nhận giải Mai Vàng lần thứ 16 hạng mục "Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất". Phim cũng thắng hàng loạt hạng mục tại Cánh diều 2010.
Những ngày tháng cuối đời
Vợ của biên kịch Ngụy Ngữ cho biết nhiều năm qua sức khỏe của ông không tốt, thường xuyên ra vào bệnh viện. Tháng 10 năm ngoái, gia đình phát hiện ông mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối. Ngày 7/9, ông nhập viện Ung Bướu nhưng bác sĩ chẩn đoán tiên lượng yếu, khuyên gia đình nên đưa về nhà và chuẩn bị tinh thần.
Bà Ngọc Phân nói gần một năm qua bệnh tật khiến chồng gặp khó khăn trong ăn uống. Gia đình truyền đạm và thức ăn cho nhà văn nhưng ông đều bị nôn ra ngoài. Ngụy Ngữ cao 1,79 mét, những tháng cuối đời chỉ còn 38 kg. Do sức khỏe yếu, ông không thể tập trung đam mê viết lách.
Nhà biên kịch Ngụy Ngữ tên thật là Nguyễn Văn Ngữ, sinh năm 1947, quê quán Thừa Thiên Huế. Trước năm 1975, ông là cây bút quen thuộc của nhiều tạp chí như Văn, Đất nước, Ý thức..., thường gặp gỡ những người bạn gồm nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Cung Tích Biền, nhạc sĩ Từ Huy, Bảo Phúc, đạo diễn Quang Đại...
Sau năm 1975, ông chuyển sang viết kịch bản phim, trong đó có nhiều phim đáng chú ý như: "Con thú tật nguyền", "Cảnh sát hình sự", "Ai xuôi vạn lý" (với Nguyễn Thiên Đỉnh), "Xóm nước đen", "Bụi hồng", "Những năm tháng đã qua", "Cánh đồng bất tận", "Mẹ con Đậu Đũa"...
Trong đó, phim "Gái nhảy" do ông viết kịch bản, Lê Hoàng đạo diễn, Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 2003 gây tiếng vang. Ban đầu, theo kịch bản của Ngụy Ngữ, phim có tên Trường hợp của Hạnh, sau đó Lê Hoàng đổi tên trong quá trình dựng để thu hút chú ý hơn.
Tác phẩm mở đầu cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990, từng đoạt doanh thu 12 tỷ đồng - kỷ lục của điện ảnh trong nước sau thời kỳ đổi mới (tính đến thời điểm công chiếu).