Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam, mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân Đà Nẵng. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống lâu đời, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội còn là dịp để quảng bá hình ảnh của thành phố biển Đà Nẵng với du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội diễn ra vào ngày 19/2 Âm lịch hàng năm, đây là dịp để đạo hữu nói riêng, nhân dân và du khách nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, dòng người đã đổ về chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) để tham dự lễ chính của lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng 2024. Hàng nghìn phật tử, người dân và du khách đã đến để cầu bình an.
Chị Nguyễn Mỹ Lan (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ lễ Quán Thế Âm là lễ lớn nên chị cùng gia đình đến từ sớm để tham dự. “Năm nay lượng người đến với lễ hội rất đông, tôi cùng gia đình đến từ sớm nhưng vẫn chen chân không lọt. Năm nào tôi cũng đến dự lễ, cầu mong cho gia đình mình được bình an, hạnh phúc”, chị Linh nói.
Trong khi đó, giải đua thuyền trên sông Cổ Cò (quận Ngũ Hành Sơn) năm nay với chủ đề Đoạt cờ lệnh, rước Huyền Trân Công chúa mang ý nghĩa lịch sử, nhân văn, diễn đạt phần nào về lịch sử triều đại nhà Trần. Hàng trăm người dân, du khách đến từ khắp nơi đã đội nắng cổ vũ cho các đội đua thuyền thi đấu.
Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên và người dân, các đội thuyền đã thi đấu hết mình, mang đến không khí rộn ràng trên sông Cổ Cò.
Dù nắng nóng, cổ động viên các đội ở trên bờ vẫn cổ vũ hết mình.
Ông Trương Thầu (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Hôm nay tôi thấy đội nào thi đấu cũng tốt nhưng đội Hải Châu với sức sống của lớp trẻ đã thi đấu hay và nhanh hơn. Đội nào tôi cũng cổ vũ nhưng đội nhà mình chiến thắng thì tôi vui mừng”.
Niềm vui chiến thắng của các tay đua khi về nhất cuộc thi. Đội thuyền quận Hải Châu đã về đích với vị trí đứng đầu, theo sau là đội Hòa Vang, Liên Chiểu và Sơn Trà.
Sau cuộc thi, Huyền Trân Công chúa được rước lên thuyền và diễu hành trên sông Cổ Cò.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn vào năm 2000 đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Duy Quốc