Đồng sáng lập Google tặng số cổ phiếu gần 700 triệu USD, kỳ vọng Gemini là AGI đầu tiên trên thế giới
Sergey Brin, đồng sáng lập Google hiện sở hữu khối tài sản ròng 144,3 tỉ USD, vừa tặng gần 700 triệu USD dưới dạng cổ phiếu Alphabet.
Khoản tặng này được tiết lộ trong một hồ sơ pháp lý hôm 21.5, nhưng không nêu rõ ai là người nhận khoảng 4,1 triệu cổ phiếu trị giá gần 700 triệu USD.
Số cổ phiếu đó được chia đều giữa loại A và loại C mới chuyển đổi, có thể dùng làm từ thiện hoặc chuyển vào các quỹ tài chính hoặc quỹ tín thác.
Người phát ngôn của văn phòng gia đình Sergey Brin chưa phản hồi ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Sergey Brin nhiều lần tặng số cổ phiếu Alphabet giá trị lớn - Ảnh: Getty Images
Thông tin trên được tiết lộ vào một ngày tốt lành cho các cổ đông của Alphabet (công ty mẹ Google). Cổ phiếu Alphabet đã tăng tới 5,6% hôm 21.5 sau khi những thông báo về sản phẩm tại I/O 2025 cho thấy công ty đang thích nghi với thời đại trí tuệ nhân tạo (AI).
I/O là hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển của Google được tổ chức ở thành phố Mountain View, bang California, Mỹ.
Google đã tiến từng bước với AI Overviews và tuần này sẽ triển khai AI Mode (chế độ tìm kiếm mang tính hội thoại) cho tất cả người dùng tại Mỹ. Trong khi AI Overviews đưa ra phần tóm tắt kết quả ở đầu trang tìm kiếm thông thường, AI Mode cho phép người dùng bấm vào một thẻ mới để mở ra trải nghiệm hội thoại, với các nguồn thông tin phong phú và đa dạng hơn - tất cả vẫn dựa trên chỉ mục tìm kiếm của Google. Người dùng có thể đặt các câu hỏi tiếp theo ngay trong phiên trò chuyện.
“AI Mode không chỉ là một trải nghiệm được hỗ trợ bởi AI từ đầu đến cuối, mà còn là cái nhìn thoáng qua về tương lai của tìm kiếm nói chung”, Liz Reid, người đứng đầu Google Search, tuyên bố.
AI Mode sử dụng kỹ thuật query fan-out, tức là chạy nhiều truy vấn cùng lúc và trả về kết quả đồng thời. Google cho biết điều đó sẽ giúp việc tìm kiếm trở nên tốt hơn và người dùng có thể đặt các câu hỏi phức tạp hơn. Tính năng AI này chỉ là bước khởi đầu cho cách mà Google hình dung sự tiến hóa của tìm kiếm.
Tại I/O 2025, Google còn công bố hàng loạt tính năng mới nhưng đang giữ trong Labs, tức chỉ dành cho người dùng thử nghiệm sớm. Tuy nhiên, những tính năng đó chỉ ra Google nhìn thấy điều gì là tương lai của tìm kiếm.
Một ví dụ là Deep Search, cho phép người dùng nhập một câu hỏi cực kỳ dài, phức tạp và nhận lại bản báo cáo có trích dẫn đầy đủ, tương tự tính năng Deep Research trong Gemini. Thậm chí có cả phiên bản cho phép trả về dữ liệu thời gian thực kèm theo biểu đồ (ví dụ thống kê của các đội thể thao).
Labs là sáng kiến của Google để thử nghiệm và giới thiệu công khai các dự án, tính năng mới đang trong giai đoạn phát triển. Nó đóng vai trò như một sân chơi, nơi các ý tưởng táo bạo và thử nghiệm được đưa ra để người dùng có thể trải nghiệm sớm, cung cấp phản hồi trực tiếp cho kỹ sư Google.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ chuẩn bị cho phép người dùng cấp quyền để AI Mode truy cập vào các ứng dụng Google khác và lịch sử tìm kiếm của họ. Mục đích việc này là để AI có thể đưa ra câu trả lời và đề xuất mang tính cá nhân hóa hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về quyền riêng tư khi các công ty AI bắt đầu xây dựng bộ nhớ dài hạn vào các mô hình AI của họ.
Liz Reid cho biết một số tính năng từ AI Mode sẽ được tích hợp vào công cụ tìm kiếm tiêu chuẩn của Google và AI Overviews. Theo ông, động thái này nhằm giúp trải nghiệm tìm kiếm tiêu chuẩn Google được hưởng lợi từ các bước tiến của mô hình AI nền tảng.
“Kết hợp tất cả những điều đó, chúng tôi đang xây dựng tương lai của tìm kiếm. Việc tìm kiếm bắt đầu trở nên dễ dàng hơn”, Liz Reid nhấn mạnh.
Liệu Google có hình dung rằng AI Mode sẽ trở thành chế độ mặc định trong tương lai? Hàm ý là có, dù công ty sẽ theo dõi sát sao trong vài tháng tới để xem có bao nhiêu người nhấp vào thẻ AI Mode.
Lịch sử tặng cổ phiếu của Sergey Brin
Tháng 5.2023, Sergey Brin từng bán và trao tặng số cổ phiếu Alphabet trị giá 600 triệu USD sau khi Google ra mắt công cụ tìm kiếm tích hợp AI vào thời điểm gần I/O. Ông đã tiết lộ thêm các khoản tặng cổ phiếu Alphabet trị giá hơn 100 triệu USD vào tháng 5 và tháng 11.2024.
Doanh nhân 51 tuổi người Mỹ thường quyên góp để hỗ trợ nghiên cứu bệnh Parkinson và cũng có một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào khí hậu, y tế. Tổ chức này đã tài trợ cho các công ty khởi nghiệp làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu chất gây ảo giác đến dự án đầy tham vọng trị giá 155 tỉ USD nhằm xây dựng các “hòn đảo năng lượng” tại Copenhagen (thủ đô Đan Mạch).
Sergey Brin và đồng sáng lập Google khác là Larry Page đều rút khỏi các vai trò quản lý hàng đầu vào năm 2019. Hôm 21.5, cả hai đã chứng kiến tài sản của họ tăng thêm tổng cộng 7 tỉ USD.
Hiện Sergey Brin là người giàu thứ 10 thế giới với tài sản ròng 144,3 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỷ phú Bloomberg). Ông xếp sau Larry Page, người giàu thứ 9 thế giới với khối tài sản 153,2 tỉ USD.
Tài sản của Sergey Brin chủ yếu là sự kết hợp giữa cổ phiếu loại B và loại C của Alphabet (công ty được thành lập ngày 2.10.2015). Kể từ đợt Google phát hành cổ phiếu lần đầu vào năm 2004, Sergey Brin đã bán ra số cổ phiếu trị giá hơn 11 tỉ USD, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Không điều hành nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng ở Google, kỳ vọng Gemini là AGI đầu tiên trên thế giới
Sergey Brin hiện không giữ chức vụ điều hành chính thức nào tại Google hay Alphabet. Song kể từ năm 2023, ông đã trở lại và tham gia tích cực vào các dự án AI của Google, đặc biệt là trong việc phát triển mô hình Gemini. Doanh nhân này thường xuyên có mặt tại trụ sở Google và tham gia vào các cuộc họp kỹ thuật liên quan đến AI.
Tại I/O 2025, Sergey Brin nhấn mạnh cam kết của Google trong việc phát triển AI tổng quát (AGI). Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Gemini sẽ trở thành AGI đầu tiên trên thế giới.
AGI là dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hay vượt trội con người. Không giống AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo. OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".
Sergey Brin kêu gọi nhân viên làm việc tại văn phòng ít nhất 60 giờ mỗi tuần để tăng cường hợp tác và đẩy nhanh tiến độ phát triển AI.
Dù không còn giữ vai trò điều hành, sự trở lại của Sergey Brin cho thấy ông vẫn có ảnh hưởng lớn đến định hướng chiến lược tại Google, đặc biệt trong lĩnh vực AI.
Thừa nhận thất bại với Google Glass
Tại I/O 2025, Sergey Brin thừa nhận thất bại với kính thông minh Google Glass cách đây hơn một thập kỷ và cố "sửa sai" bằng phiên bản mới.
"Tôi mắc rất nhiều sai lầm với Google Glass. Tôi không biết gì về chuỗi cung ứng điện tử tiêu dùng, cũng như không hình dung việc chế tạo kính thông minh với mức giá hợp lý sẽ khó khăn thế nào", ông nói.
Google Glass ra mắt năm 2013, được bán năm 2014 với giá tới 1.500 USD. Dù được kỳ vọng trở thành thiết bị phổ biến tương tự iPhone, Google Glass nhanh chóng là "bom xịt" vì loạt rào cản như tính năng hạn chế, giá bán cao, quyền riêng tư...
Ở I/O 2025, Google cam kết đầu tư lên tới 150 triệu USD vào Warby Parker, thương hiệu kính mắt nổi tiếng, nhằm cùng phát triển kính thông minh tích hợp AI dựa trên nền tảng Android XR.
Google cho biết sẽ dành 75 triệu USD cho các chi phí liên quan đến phát triển sản phẩm và hoạt động thương mại hóa do Warby Parker thực hiện. Ngoài ra, Google cam kết bổ sung khoản đầu tư 75 triệu USD tiếp theo, dưới hình thức nắm giữ cổ phần tại Warby Parker, nếu công ty kính mắt này đạt được một số cột mốc phát triển cụ thể đã thỏa thuận từ trước.
Android XR là nền tảng mới của Google dành cho các thiết bị thực tế mở rộng (XR), gồm cả AR (thực tế tăng cường), VR (thực tế ảo), MR (thực tế hỗn hợp).
Google mở rộng nền tảng Android sang XR để hoạt động trên kính thông minh tích hợp AI và kính thực tế hỗn hợp hợp tác với Samsung trong dự án Project Moohan. Các thiết bị này hỗ trợ thông tin thời gian thực, dịch thuật và tương tác nâng cao.