Dòng suối hát và chùm thơ về Ba Bể
Tác phẩm đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác, sưu tầm các câu chuyện hay gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức.
Sau cơn mưa, đường xuống suối lại thêm nhiều dấu chân. Những người trong bản đi đánh dậm, câu cá từ đêm đến sáng. Sớm nay, mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, Sinh liền xuống bếp lấy cái giỏ cá ông nội vừa đan cho hôm trước đeo vào hông rồi sang gọi cái Mùi đi xúc cá.
- Mùi ơi, ra suối thôi! Sinh thập thò bên bờ rào, cố kiễng đôi bắp chân tròn như bi chuối gọi bạn. Mùi đang nhồm nhoàm nhai miếng cơm, nghe thấy tiếng Sinh vội vàng cầm cái sàng chạy thoăn thoắt ra sân.
- Ra suối hay vào trong khe thế?
- Mình ra suối Bắc Sen nhé, đi nhanh kẻo muộn nào.
Bầu trời trong veo, những đám mây trên đầu chầm chậm trôi về bên kia núi. Hai đứa trẻ vừa đi vừa cười đùa, cây xấu hổ trên bờ ruộng rụt rè cụp những chiếc lá còn đọng sương. Con suối đi qua thôn xóm, chảy róc rách quanh năm, hai bên bờ là những khóm cây và triền cỏ êm đềm. Bến nước thanh bình, yên ả đã dâng nước cho bao mùa cây trái. Tiếng mõ trâu vang lốc cốc thong thả gõ từng nhịp trong nắng.
Người già truyền tai nhau rằng, đất và nước vùng này lành. Tôm cá rủ nhau về sông suối ngụp lội và hội xuân năm nào mọi người cũng đông vui. Khi những vạt dong riềng vươn lên xanh khắp chân đồi, mọi người lại từ muôn ngả về chợ tình, ai nấy đều tươi tắn và đẹp xinh. Vẻ đẹp trên váy áo cuốn hút bao nhiêu thì ánh mắt ngời lên niềm vui của những người đi chợ càng rộn ràng bấy nhiêu. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng rượu khà, tiếng hát Then, Sli, Lượn đan vào nhau. Người lớn vui trong những cuộc chuyện trò, con trẻ thì mê mải với những món đồ chơi mới cùng những thức quà thơm ngon. Sinh thắc mắc không hiểu sao mọi người đến hội quê mình đông vui thế, nhiều người quen, cũng nhiều người lạ. Bà nội bảo, người quê mình có nụ cười mến khách, có nhiều bánh trái thơm ngon nên ai ai cũng muốn đến đây. Đến chợ tình Xuân Dương mà cười nhiều, vui nhiều sẽ là một năm đầy may mắn. Bà trầm ngâm kể về huyền sử dân gian chợ tình Xuân Dương cho Sinh nghe.
Chuyện kể rằng ở thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương, huyện Na Rì xưa kia có hai vợ chồng thương yêu nhau đắm đuối. Vào một ngày, vợ chồng cùng nhau ra đồng, chồng thì cuốc ở cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Khi làm đã thấm mệt, người chồng gọi vợ về thì đáp lại chỉ là tiếng vọng của rừng núi. Người chồng chạy tới đầu ruộng chỉ thấy cán dao gãy, cỏ cây nát, chứng tích của một cuộc vật lộn, xô đẩy. Mãi sau, chàng mới hay người vợ của mình đã bị bắt đi, nàng đã chống trả, kêu cứu nhưng vì ruộng dài quá nên chàng không nghe thấy để đến cứu vợ. Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương. Thửa ruộng của vợ chồng nhà nọ được gọi là ruộng dài. Sau này, gặp lại chồng cũ, nàng mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn lại tình xưa vì mỗi người đều đã yên bề gia thất. Dân làng cảm động nên đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa, đó là ngày 25-3 âm lịch. Từ đó, hằng năm cứ vào ngày này nam nữ trong vùng, những người lỡ duyên được gặp nhau, ôn lại tình cũ.
Nghe xong câu chuyện của bà, vẻ đượm buồn hiện trong đôi mắt Sinh, cậu bé ngơ ngác nhìn bà hỏi:
- Bà ơi, vậy những người yêu nhau hoặc không thể đến được với nhau mới có thể đến dự chợ tình quê mình đúng không ạ?
- Không hẳn là như vậy cháu à, ai cũng có thể đến chợ tình, chợ tình không chỉ là nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa mà còn là nơi kết nối tình bạn, tình anh em để thêm yêu quê hương, yêu dân tộc và nơi mình sinh ra nữa đó.
- Bà ơi, thế sao cháu thấy bà chỉ đi chợ bán vải chàm mà không tìm gặp bạn cũ của bà như những người khác ạ?
Bà xoa đầu Sinh nhỏ nhẹ:
- Bà bán vải chàm mới có tiền mua bóng bay cho Sinh đúng không nào.
Ông nội ngồi đang đan chài nghe hai bà cháu nói chuyện bật cười khà khà. Bà tiếp tục chăm chú, tỉ mẩn khâu chiếc mũ vải cho em bé. Những miếng vải có màu sắc khác nhau được bà ghép lại và khâu thành chiếc mũ đẹp rực rỡ như một chùm hoa. Đôi tay gân guốc của bà còn vương lại màu chàm xanh khi nhuộm vải. Bà thủ thỉ, mọi người đến chợ tình để giao lưu, gặp gỡ lại bạn cũ cũng vì câu Sli quê mình da diết. Những người thể hiện Sli giao duyên, trò chuyện cứ ngân nga chẳng dừng, vì trong lòng còn nhiều tâm sự. Khi câu Sli cất lên, mọi náo nhiệt xung quanh dần lắng lại, đôi mắt trầm ngâm hướng về phía câu hát. Có thể, trong số đó có người đang hồi ức, có người đang ngóng trông, có người vui, người say.
Những đêm trước khi diễn ra chợ tình, mẹ Mùi lại lui cui dưới bếp chuẩn bị gạo nếp ngon làm bánh khảo và bánh dày lá ngải để bán ngày chính chợ. Những ngón tay mẹ dính nhựa vì hái lá ngải tươi, trông có vẻ cáu bẩn nhưng kỳ thực Mùi thấy hương thơm từ đôi bàn tay ấy dễ chịu vô cùng. Mùi thường ngồi cạnh quan sát mẹ làm những khâu chuẩn bị cầu kỳ, thi thoảng phụ giúp mẹ tuốt bỏ những gân lá ngải già do hái vội, khi thì rang vừng, mài đường phên để làm nhân bánh. Các bá trong thôn cũng bảo nhau mỗi người mang một vài thứ rau và bánh trái của nhà làm được ra chợ bày bán.
***
Mùi mang nhiệm vụ xách giỏ, còn Sinh cầm sàng xúc tôm cá. Hai đứa xắn quần lội xuống nước, thi thoảng reo lên vì được cá lẳn, cá bống. Mải mê bì bõm dưới nước được nửa buổi sáng Sinh cảm thấy đôi chân run run, bụng mỗi lúc sôi lên vì đói. Mùi sáng ăn gần hết bát cơm rang nhưng cũng không chịu nổi nữa. Dù trong giỏ chưa được nhiều cá, tép nhưng hai đứa đều muốn về thật nhanh nấu cơm. Mùi và Sinh lê từng bước trên thảm cỏ ven suối, cỏ êm đềm và ngời biếc. Sinh ngửi thấy mùi khói ấm, càng đi càng thấy thơm, tiếng cười nói cũng rõ dần. Thì ra, các chị đi chăn trâu mang theo cả sắn để nướng và lam cơm. Thấy các chị vui vẻ mời, Sinh và Mùi không ngại ngần ngồi lại ăn một cách tự nhiên. Miếng sắn nướng được tưới mỡ lợn bở tơi, thơm nức, chẳng cần chấm mật mía như mọi lần cũng trở nên ngon lành. Đống than đỏ kêu lép bép, ấm nồng. Hai đứa không ai bảo ai tự chọn những con cá con tôm to nhất trong giỏ cho các chị nướng lên ăn cùng nhau. Trong lúc đợi cá chín, các chị dạy nhau hát, những câu hát nghe lạ lẫm nhưng Sinh và Mùi thích thú vô cùng, hai đứa cứ há hốc miệng nghe chăm chú. Không khỏi tò mò, Mùi hỏi:
- Các chị đang ôn lại bài hát cô giáo dạy à?
Mùi vừa dứt lời, các chị bụm miệng cười khúc khích.
- Đây là điệu hát Sli của người Nùng mà. Bọn chị được bà Ngái dạy trong mỗi lần đi chăn trâu cùng nhau đấy.
- A! Em được nghe bà nội kể về hát Sli rồi. Thời ngày xưa các ông bà đối đáp Sli ở chợ tình, ở ven sông, cả khi đi làm cũng hát Sli như nói chuyện với nhau cơ. Sinh nói nhanh nhảu chen ngang.
- Chợ tình năm ngoái có cả các bạn nhỏ cũng hát Sli đấy, nhiều người thích nghe lắm.
- Các chị ơi, sau này cho em học hát Sli cùng các chị với nhé! Mùi lí nhí hỏi.
- Tốt quá, hôm nào em thả trâu ra bờ suối chăn rồi học cùng các chị cho vui nhé.
Cuộc trò chuyện dần trở nên rôm rả. Sinh đang định khoe với các chị rằng mình đã thuộc làu câu chuyện dân gian Chợ tình Xuân Dương thì nghe tiếng mẹ Mùi gọi mỗi lúc một rõ hơn. Hai đứa không ai bảo ai, nhanh chân đi men theo con đường tắt để về nhà. Dòng nước vẫn rì rào chở âm điệu của đất đai và câu hát đi muôn nơi. Dù hôm nay giỏ cá không được nhiều như mọi khi nhưng cả Mùi và Sinh đều thấy vui, bầu trời xanh và nắng theo những bàn chân bé nhỏ về đến tận sàn nhà.
Chùm thơ:
Mênh mang Phiêng Chỉ
Anh bảo rằng Phiêng Chỉ
Vùng đất bằng trên cao
Chạm tay vào mây gió
Mặt trời và trăng sao.
Ta cùng về Phiêng Chỉ
Thảo nguyên xanh gọi mời
Mẹ gieo hạt thóc nếp
Những mùa vàng êm trôi.
Người chăn bò thổi sáo
Chị ngồi thêu chỉ hồng
Mùa xuân trên thổ cẩm
Nỗi lòng ta bâng khuâng.
Phiêng Chỉ ơi ta đến
Con dốc nghiêng đợi chờ
Những người đi lên núi
Cùng xây đắp ước mơ.
Vấn Vương Ba Bể
Muốn ở lại nghe câu Then em hát
Trên nhà sàn ấm củi lửa đêm qua
Bên khung cửi dáng mẹ ngồi dệt vải
Gió mùa thu ghé kể chuyện thật thà
Mặt hồ xanh ưu tư Pò Giả Mải
Cây choàng vai ngả bóng xuống trăm năm
Gọi nắng chiều mênh mang trong lòng núi
Thuyền độc mộc khua sóng nước lao xao
Người qua hồ chở cả mùa lúa mới
Hạt thóc vàng lặng lẽ giấc mơ nào.
Em mặc áo chàm nhuộm từ cây lá
Còn lòng ta nhuộm nỗi bâng khuâng
Cây Bồ Quân quả đỏ hồng chín rủ
Như em xinh tươi má lúm ngại ngùng.
Ta rời đi mà còn vương vấn
Nhạc chim vọng tha thiết giữa đại ngàn
Ba Bể ơi hẹn lần sau ta gặp lại
Khi hoa đào chúm chím gọi mùa sang.
Trên núi
Những bông nấm hương
Ẩn mùi thơm vào thân gỗ mục
Tiếng kèn lá vi vu
Giấc mơ bay qua đỉnh núi.
Người chít khăn chàm qua mùa sương bay
Đồi lau cuộn vào phai lạt
Trên sàn phơi đầy gió
Những tấm vải nhuộm màu đêm ba mươi
Ngấm trọn biếc rờn của cây và nỗi nhọc nhằn vui sướng.
Sông Năng mùa tôm cá
Thuyền độc mộc khua bóng nhà sàn
Mái ngói nâu mặc nhiên tỏa khói
Dòng nước chảy về từ triệu năm
Rượu men lá lên hương
Trăng loang trên nghìn giọt chưng cất
Trầm tích nào giấu bí mật hồ xanh.
Những người trên núi
Bước đi trong thao thức mùa màng
Tai măng bật lời đắng ngọt
Cánh rừng gió gọi thênh thang.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/dong-suoi-hat-va-chum-tho-ve-ba-be-post59274.html