Dòng suối thức
Ngôi sao ngủ với bầu trời
Bé nằm ngủ với à ơi tiếng bà
Gió còn ngủ tận thung xa
Để con chim ngủ la đà ngọn cây
Núi cao ngủ giữa chân mây
Quả sim béo mọng ngủ ngay vệ đường
Bắp ngô vàng ngủ trên nương
Mệt rồi tiếng sáo ngủ vườn trúc xinh.
Chỉ còn dòng suối lượn quanh
Thức nâng nhịp cối thậm thình suốt đêm.
Quang Huy
Cuộc sống thanh bình đêm vùng cao
Bài thơ chỉ nói về dòng suối thức, được tác giả giới thiệu rõ ràng, giản dị ngắn gọn ở nhan đề. Thế nhưng, chỉ có một câu lục bát cuối cùng được tách ra thành một khổ thơ riêng là nói đến dòng suối không ngủ trong đêm.
Phần trên chứa đựng phần lớn số câu của bài thơ lại dùng để nói đến hành động ngủ của con người và vạn vật như ngôi sao, bầu trời, em bé, làn gió, chim chóc, ngọn núi, quả sim, bắp ngô, tiếng sáo... Đọc kĩ, chúng ta thấy tác giả sáng tạo những hình ảnh thơ khá gợi cảm. Em bé và con chim ngủ la đà ngọn cây là hình ảnh bình thường. Đến ngôi sao, ngọn núi, quả sim, bắp ngô cũng say giấc thì lạ, nhưng cũng không phải quá lạ để tạo nên nỗi ngạc nhiên, bởi đó là những vật thể nhìn thấy được, thậm chí sờ nắm được. Tác giả đã sử dụng một biện pháp nghệ thuật quen thuộc là nhân hóa chúng. Thế nhưng, đến những cái vô hình như cơn gió tiếng sáo... Cũng biết say sưa trong giấc mộng thì kì lạ quá, thú vị quá!
Tác giả dùng phần lớn nội dung bài thơ để nói đến cái ngủ của con người và vạn vật nhằm nêu bật cái thức của dòng suối. Và dòng suối cũng làm cho cái cối thậm thình suốt đêm giã gạo giúp dân bản. (Người vùng cao xưa nay vẫn dùng sức mạnh tự nhiên của dòng suối chảy để làm cái chày nâng lên hạ xuống nện vào lòng cối nhằm giã gạo giúp mình).
Bài thơ vẽ ra cảnh một cuộc sống thanh bình nên thơ trong một đêm ở miền cao. Ở đó tất cả đều lặng yên chìm vào giấc ngủ, “Chỉ còn dòng suối lượn quanh / Thức nâng nhịp cối thậm thình suốt đêm” như giữ nhịp đều đều cho giấc say của núi rừng, dân bản.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/198659/dong-suoi-thuc