Đồng suy giảm, lời cảnh báo sớm đối với kinh tế toàn cầu
Gần đây, giới đầu tư thường tập trung quan sát hiện tượng đường cong lãi suất đảo ngược của trái phiếu chính phủ Mỹ vì họ xem đây là chỉ báo khá tin cậy về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ và nói rộng ra là nền kinh tế toàn cầu. Nhưng xu hướng suy giảm của giá đồng trong hai năm qua mới thực sự là lời cảnh báo sớm đối với nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch hôm 4-10, giá đồng tương lai trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,3%, về mức 5.643 đô la/tấn, mức thấp nhất trong gần hai năm qua. Giá đồng đã giảm năm phiên liên tiếp và mất 2,1% trong tuần qua.
Đồng là kim loại được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và đóng vai trò thiết yếu đối với nhiều khu vực của nền kinh tế từ cơ sở hạ tầng cho đến hàng điện tử tiêu dùng. Vì vậy, các chuyển động giá của đồng được xem là chỉ báo “chẩn đoán” đáng tin cậy về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Cũng chính vì thế mà kim loại này được đặt biệt danh “Bác sĩ Đồng” (Dr. Copper).
Các dữ liệu trong tháng qua đều cho thấy sự xói mòn rõ rệt trong hoạt động sàn xuất toàn cầu khi các tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng lan rộng.
“Phần lớn chuyển động của giá đồng trong năm nay bị chi phối bởi triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu đang bị xói mòn. Các nhà đầu tư kim loại đồng đang rất bi quan và dường như đang dự cảm về điều tồi tệ nhất đối với kinh tế toàn cầu. Các dữ liệu gần đây nhất về hoạt động sản xuất trên toàn cầu củng cố quan điểm này”, Richard Knights, nhà phân tích ở Công ty môi giới chứng khoán Liberum Capital, có trụ sở tại London, nói.
Hôm 1-10, Viện Cung ứng (ISM) ở Mỹ cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ trong tháng 9 rơi về mức thấp nhất trong hơn 10 năm. Trong khi đó, dữ liệu khảo sát của IHS Market cho thấy chỉ số PMI ngành sản xuất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong tháng trước rơi về mức thấp nhất trong gần bảy năm.
“Khi mọi trung tâm sản xuất lớn trên thế giới đều suy giảm tăng trưởng, mức tiêu thụ các kim loại sẽ bị ảnh hưởng”, Edward Meir, chuyên gia tư vấn kỳ cựu ở Công ty INTL FCStone, nói.
Đồng được sử dụng nhiều ở hầu hết các dự án xây dựng và hàng điện tử tiêu dùng cũng như ngành điện lực, do vậy, nó có thể cung cấp cái nhìn sâu bên trong bức tranh nền kinh tế của mỗi nước dựa vào nhu cầu đồng của nước đó. Giới đầu tư sẽ chuyển sang bán kim loại này nếu họ bi quan về tăng trưởng của Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.
Ngân hàng Citigroup dự báo nhu cầu đồng của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% trong năm 2019 vì mức chi tiêu xây dựng mạng lưới điện và doanh số ô tô ở nước này ô tô giảm.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hồi tháng 6 năm ngoái, giá đồng đã giảm hơn 20%.
“Đồng đang trải qua một năm đáng thất vọng nhất so với các kim loại cơ bản khác”, Nick Snowdon, nhà phân tích của Ngân hàng Deutsche Bank, nhận xét. Ông cho rằng mức suy giảm 2% trong nguồn cung đồng trong năm nay đáng lẽ ra giúp kim loại này tăng giá.
Song nhu cầu yếu đồng suy yếu ở Trung Quốc lẫn bên ngoài Trung Quốc đã kìm hãm hiệu ứng tăng giá khi nguồn cung bị thu hẹp.
Tổ chức Nghiên cứu đồng Thế giới (ICSG), có trụ sở ở Lisbon (Bồ Đào Nha), ước tính nhu cầu sử dụng đồng toàn cầu trên thực tế giảm 1% trong nửa đầu năm nay.
Eric Scoles, nhà chiến lược thị trường kim loại ở Công ty RJO Futures, nói rằng các nhà đầu tư nên lưu ý đến diễn biến giá đồng. Nếu giá đồng giảm sâu hơn, điều này báo hiệu tình trạng dễ tổn thương hơn của nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói: “Thông thường, khi thảo luận về nguy cơ một cơn suy thoái sắp diễn ra, bạn thường sẽ nghe rất nhiều về đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đối với tôi, biểu đồ giá đồng mới đáng chú ý hơn cả. Vì sao? Vì đồng đại diện cho hoạt động xây dựng, nó cũng đại diện cho ngành sản xuất và nhu cầu đồng mạnh mẽ có liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Chuyên gia này phân tích, tăng trưởng kinh tế sẽ trực tiếp làm tăng nhu cầu và đẩy giá đồng đi lên, ngược lại, nếu giá đồng đi xuống trong dài hạn, đó là do suy thoái kinh tế.
Theo Scoles, các yếu tố cơ bản đang ủng hộ xu hướng giảm giá dài hạn của đồng trừ phi Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong tương lai gần. Nhà phân tích thị trường hàng hóa Tim Treadgold cho rằng xu hướng giảm giá hiện nay của đồng cho thấy nền kinh tế thế giới đang gặp “cơn cảm lạnh” hoặc điều gì đó tồi tệ hơn.
Theo Financial Times, Investing
Chánh Tài