Đồng tâm chống dịch (bài 1)

Thành viên bếp ăn 0 đồng Gò Méc (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) mỗi bữa chuyển hơn 100 suất ăn cho bà con trong khu cách ly tập trung tại Trường THPT Trần Phú (mới) . Ảnh: MINH NGUYỆT

Sau hơn 3 tháng không ngơi nghỉ, Phú Yên đã kiểm soát được dịch COVID-19. Thành quả này có sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực phối hợp, thực hiện tốt vai trò kết nối của cán bộ Mặt trận và các đoàn thể.

Trên hành trình chống dịch có biết bao câu chuyện xúc động về tình đồng bào, về tinh thần “nhường cơm sẻ áo”…

BÀI 1: Ấm lòng lúc khó

Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn Phú Yên, tinh thần tương thân tương ái của người dân nơi đây được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Những suất cơm thấm nghĩa đồng bào

Sau bao ngày âu lo thắc thỏm, từ TP Hồ Chí Minh, vợ chồng chị Tăng Thị Thu Sen - anh Nguyễn Duy Khánh cùng một số bà con được trở về quê nhà ở Tuy An. Chị Sen xúc động nói: Shop hoa tươi của gia đình ở TP Hồ Chí Minh đã nghỉ mấy tháng nay vì dịch COVID-19. Tiền thuê nhà vẫn phải trả, xe khách về quê không chạy, trong khi tôi vừa có con nhỏ vừa mang bầu sắp sinh nên nỗi lo chồng chất. Nhờ các anh chị ở Tuy An kết nối, nhờ tỉnh tạo điều kiện, chúng tôi được trở về quê trên chuyến xe 0 đồng. Đến nơi, cả xe chúng tôi được bếp ăn 0 đồng hỗ trợ cơm ăn, nước uống. Trong suốt thời gian cách ly, ngoài ba bữa ăn, hàng ngày tôi còn được nhận sinh tố, nước dừa cũng như các món bồi bổ thai nhi. Các chị ở bếp ăn 0 đồng luôn động viên, bảo cần giúp gì cứ gọi. Tôi cảm thấy may mắn, ấm lòng khi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, quan tâm sâu sắc của người ở quê mình.

Nơi nào khó khăn, gian khổ thì ở nơi đó, các nghĩa cử đầy tình người, đầy tính nhân văn càng được thể hiện rõ. Khi Phú Yên đang gặp khó khăn thì việc kết nối diễn ra rất nhanh chóng; những nghĩa cử nhân ái, vì cộng đồng được nhân lên rất lớn. Sức mạnh đoàn kết đã giúp mọi người vượt qua khó khăn.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An

Chị Đặng Hồng Việt cũng có con nhỏ. Từ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chị và một số bà con vui mừng trở về quê hương trên những chuyến xe nghĩa tình của Tập đoàn Phương Trang. Vừa về đến khu cách ly tập trung ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, chị cảm động khi nghe câu hỏi ân cần: “Em bé ăn cơm hay ăn cháo?”. “Bữa trưa đầu tiên trong khu cách ly, người lớn, trẻ con đều có suất ăn phù hợp, ngon hơn mong đợi. Sau đó, chúng tôi mới biết, cơm được đưa tới từ bếp ăn 0 đồng. Cứ mỗi lần cầm hộp cơm lên ăn, chúng tôi không cầm được nước mắt khi nghĩ đến cái tình của bà con ở đây dành cho mình”, chị Việt thổ lộ.

Anh Trần Văn Thuận ở xã An Cư, vào Bình Dương mưu sinh lập nghiệp mấy năm nay. Dịch bùng phát trong lúc ở quê nhà mẹ anh bệnh nặng, anh nóng lòng muốn được về chăm sóc mẹ già. Do COVID ngăn trở, đường về quê mỗi lúc một xa thăm thẳm. Lúc có tên trong danh sách được đón về anh vui mừng khôn xiết nhưng cũng lăn tăn, rồi ai tiếp tế bữa ăn cho mình? “Đến khu cách ly, miếng ăn chỗ ở đều ngon lành hơn trong suy nghĩ của mình”, anh Thuận nói.

Chị Phạm Thị Hồng Nhựt và thầy Phạm Đồng Tường (giáo viên Trường THPT Trần Phú) chuẩn bị bữa cơm tại bếp ăn 0 đồng Gò Méc (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) để gửi đến bà con ở khu cách ly tập trung. Ảnh: MINH NGUYỆT

Chị Phạm Thị Hồng Nhựt và thầy Phạm Đồng Tường (giáo viên Trường THPT Trần Phú) chuẩn bị bữa cơm tại bếp ăn 0 đồng Gò Méc (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) để gửi đến bà con ở khu cách ly tập trung. Ảnh: MINH NGUYỆT

Niềm vui khi được cho đi

Một trong những người tích cực kết nối để giúp người dân Tuy An ở các tỉnh phía Nam về quê theo kế hoạch của tỉnh là chị Phạm Thị Hồng Nhựt, công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh huyện Tuy An. Chị cũng là người khởi sự và duy trì bếp ăn 0 đồng Gò Méc (thị trấn Chí Thạnh) hỗ trợ người dân đang cách ly tập trung tại Trường THPT Trần Phú (mới) và các khu cách ly khác trên địa bàn trong gần 3 tháng qua. Hàng ngày, tranh thủ hoàn thành công việc ở cơ quan một cách nhanh nhất, chị Hồng Nhựt chạy ngay về lo quán xuyến bếp núc.

Từ 4 giờ sáng, khi nhiều người còn ngon giấc thì bếp ăn Gò Méc đã đỏ lửa. Trong lúc xoong cơm to reo vui trên ngọn lửa hồng, người thì lo làm cá, xắt thịt; người lo gọt vỏ củ quả, lặt rau… Chung tay cho bếp ăn Gò Méc, ngoài một số giáo viên, sinh viên tình nguyện… còn có mấy người già trong xóm. Ngày nối ngày, họ cùng nhau chuẩn bị hơn trăm suất ăn cho đồng bào trong khu cách ly. Họ nấu cẩn thận, kỹ lưỡng như nấu cho người thân trong gia đình mình. Nấu xong bữa trưa, cho vào hộp, chở đến khu cách ly rồi ai nấy về nhà ngả lưng, chợp mắt một lát, sau đó lại xắn tay áo chuẩn bị bữa cơm chiều. Cũng hơn trăm suất. Kết thúc công việc trong ngày, “bếp trưởng” Trần Đắc Tâm lại lên thực đơn cho ngày hôm sau để bà con được đổi món, ngon miệng.

Vào năm học mới, các giáo viên trở lại với công việc giảng dạy, sinh viên tình nguyện đi hỗ trợ tiêm vắc xin. Thiếu người, bếp phải “tăng ca”, đến 22 giờ vẫn còn sáng đèn, chuẩn bị nguyên liệu để ngày mai có được những suất ăn ngon cho bà con. Khi gạo, thịt, rau củ… sắp “cạn”, Hồng Nhựt lên facebook kêu gọi sự trợ giúp. Ngay sau đó, bếp lại được hỗ trợ lương thực, thực phẩm.

Những người tham gia bếp ăn Gò Méc đều rất nhiệt tình. Hồng Nhựt kể: “Khoảng 10 giờ sáng một ngày cuối tháng 9, cơm trưa cho khu cách ly sắp xong, bếp nhận tin cần thêm 96 suất cho người dân từ miền Nam về. Quá gấp gáp, chúng tôi luýnh quýnh nhưng nghĩ bà con mình về đến nơi sẽ mệt và đói nên cố gắng huy động mọi người phụ giúp, và có thêm 96 suất cơm đúng bữa. Ai nấy đều mệt bở hơi tai nhưng thấy vui vì bà con mình về không bị đói”.

Kết nối và san sẻ

Ngoài bếp ăn Gò Méc, Tuy An còn có 17 bếp ăn 0 đồng khác, đều do những tấm lòng thiện nguyện lập nên, trong đó có sự tham gia của các nhà sư, tu sĩ ở 6 ngôi chùa. Đi Tuy An trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng tôi không thể đến tất cả các bếp, song rất ấn tượng với những gì mà người dân nơi đây đã làm, cho đồng bào mình. Hoạt động hơn 3 tháng qua, các bếp đã hỗ trợ hơn 80.000 suất ăn (không kể các món giải khát) cho các khu cách ly tập trung. Ban đầu, kinh phí được huy động từ người dân địa phương, các mạnh thường quân. Sau đó, các bếp có sự hỗ trợ từ chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Ngày nắng cũng như ngày mưa, các bếp ăn 0 đồng vẫn đỏ lửa, mỗi ngày cung cấp dao động 1.000 - 1.800 suất ăn hỗ trợ bà con.

Chị Đinh Hồng Nga, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuy An chia sẻ: “Nhiều người dân quê mình ở TP Hồ Chí Minh gọi điện về bảo, chúng em chưa chết vì dịch mà sắp chết đói rồi đây. Mỗi ngày chỉ có mì tôm để ăn”. Thương bà con, chị Hồng Nga cùng anh chị em khối Dân vận - Mặt trận kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ, duy trì 18 bếp ăn 0 đồng để cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung và chốt kiểm soát phòng chống dịch tại các xã, thị trấn.

Các bếp đa số dùng củi, sau một thời gian thì cạn nguồn, chị Hồng Nga kêu gọi trên facebook. Ngay sau đó, các cán bộ xã An Xuân đi gom củi khô, bà con địa phương chở xuống cho các bếp. Khi các bếp gặp khó khăn, các cán bộ Mặt trận huyện thường xuyên hỏi han những người đang chung tay hỗ trợ đồng bào, động viên họ cố gắng. Lực lượng này cũng đã kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ, tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. “Vượt qua được đại dịch là nhờ có sự chung tay của người dân Tuy An, sự nỗ lực và đồng lòng của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở”, chị Đinh Hồng Nga nói.

Hỗ trợ vận chuyển thức ăn đến các nơi cần giúp xuyên suốt mùa dịch là các doanh nghiệp: Hoàng Phúc, Phương Huy, Nắng Ban Mai, Hoàng Dương... Thầy Trần Trọng Trí (giáo viên Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, xã An Ninh Đông) cùng vợ là cô Thiều Thị Thanh Thu (giáo viên Trường tiểu học thị trấn Chí Thạnh) cũng tích cực tham gia bếp ăn 0 đồng, vận chuyển đồ ăn thức uống ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát. Bên cạnh đó, thầy Trí cùng đồng nghiệp còn pha chế nước sát khuẩn và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia đóng góp công sức cũng như vật chất cho công cuộc chống dịch. Thầy Trần Trọng Trí chia sẻ: “Mặt trận huyện cần khi nào là chúng tôi có mặt ngay. Chia sẻ khó khăn với người dân, chúng tôi nhận lại niềm vui”.

Tuy An có lượng người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về rất đông. Số người về tự phát gần 5.000 người, về theo kế hoạch của tỉnh gần 2.000 người. Nếu để người thân mang thức ăn đến thì số người ra đường nhiều, hơn nữa việc phòng, chống dịch ở khu cách ly sẽ không đảm bảo. Do vậy, địa phương kêu gọi các bếp cung cấp suất ăn cho người dân, trong đó có sự kết nối, hỗ trợ của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cùng các nhà hảo tâm.

Bí thư Huyện ủy Tuy An Phạm Văn Bảy

-----------------------

BÀI CUỐI: Cầu nối giúp người dân “gỡ” khó

MINH NGUYỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/265907/dong-tam-chong-dich.html