Đông - Tây y kết hợp, 'vũ khí' chữa đau toàn diện

Đông – Tây y kết hợp sẽ là 'vũ khí' chữa đau toàn diện cho nhiều loại: Đau xương khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… Cải thiện chất lượng đời sống cho người bệnh.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông – Tây y kết hợp TP.HCM tại Hội nghị khoa học và Đào tạo liên tục lần 1 năm 2021 với chủ đề “Quan niệm về đau và cập nhật điều trị kết hợp Đông - Tây y”.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay chia sẻ về sự phát triển của Đông - Tây y

PGS.TS Nguyễn Thị Bay chia sẻ về sự phát triển của Đông - Tây y

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay, đau là một trong những nguyên nhân người bệnh tìm đến thầy thuốc nhiều nhất. Dù chỉ là thoáng qua hay mạn tính kéo dài, đau đều gây nên những cảm xúc âm tính, những cảm giác sợ hãi, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Đau có thể do rất nhiều nguyên nhân. Đối với Tây y, y lý của đau được giải thích và phân theo cơ chế (đau do viêm, đau do hoại tử mô, do co thắt, đau cơ học), hoặc theo phân loại (gồm: đau cấp, đau mạn tính). Trong Tây y, khi nêu lên một nguyên nhân, dựa trên những khoa học chứng cứ các bác sĩ cũng đưa ra những cơ chế rõ ràng để minh chứng. Dù đau theo cơ chế nào, tình trạng đau không chỉ có tác động lên thần kinh tại chỗ gây đau tại chỗ mà lan theo đường đi của dây thần kinh, diễn tiến đau ở các vị trí liên quan.

Trong Đông y, đau được lý giải theo 2 quan điểm xuyên suốt. “Thứ nhất là thể có đau, tức là tắc nghẽn ở đâu đó trên quan điểm Thống tắc bất thông. Quan điểm thứ 2 là thiếu dinh dưỡng sẽ gây đau Thất vinh tắc thống. Trên lý luận, quan điểm đau theo Tây y hay Đông y đều có ý nghĩa giống nhau chỉ khác nhau ở mô tả”- PGS.TS Nguyễn Thị Bay chia sẻ.

BS.CK2 Đỗ Tân Khoa trong bài báo cáo Cấy chỉ giảm đau

BS.CK2 Đỗ Tân Khoa trong bài báo cáo Cấy chỉ giảm đau

Ở Đông y hay Tây y đều có những thế mạnh, nhiều nghiên cứu đã kết luận việc kết hợp Đông y – Tây y mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Hiệu quả của việc kết hợp giữa 2 nền y học thể hiện ở cả chẩn đoán và điều trị. Theo đó, đối với chẩn đoán, bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh của Tây y để xác định nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh, diễn tiến bệnh. Song song đó, Đông y ứng dụng kinh nghiệm, lý pháp để chẩn đoán ảnh hưởng của đau đến tạng phủ hay chưa, đưa ra các phương pháp điều trị toàn diện và tận gốc.

Sau chẩn đoán, bệnh nhân có thể điều trị thuần túy bằng Đông y, như sử dụng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc (thuốc Đông y hoặc phối hợp thuốc Tây y và Đông y trong trường hợp đau cấp. Thuốc Tây y sẽ giảm triệu chứng đau nhanh, chống viêm, bên cạnh đó dùng kèm thuốc Đông y điều trị nguyên nhân bệnh.

Ví dụ bệnh lý viêm khớp dạng thấp sử dụng các thuốc trên hệ miễn dịch, thuốc giảm đau. Bên cạnh đó cơ thể can thận hư, tì hư có thể dùng bài thuốc y học cổ truyền để điều trị, nâng cao dinh dưỡng cho người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay nhấn mạnh: “Với hiệu quả điều trị của y học cổ truyền và Đông – Tây y kết hợp, ngày càng gia tăng sử dụng y học cổ truyền trên thế giới. Bên cạnh sự tin tưởng sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân ở các nước kém phát triển như: Ethiopia (90% người dân sử dụng YHCT), Benin, India và Rwanda cùng 70% người dân sử dụng,… Ở nhiều nước phát triển người dân cũng đã từng sử dụng liệu pháp điều trị bổ trợ và thay thế như Canada (70%), Australia (48%), France (49%), USA (42%)…”

Tại hội nghị, nhiều báo cáo khoa học mang tính tổng quát đến chuyên sâu đã được trình bày bởi các nhà khoa học giàu kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị đau từ y học hiện đại đến y học cổ truyền, như: Quan niệm về đau theo y học hiện đại và đau sau Zona; Đau trong điều trị bệnh xương khớp và điều trị; Tổng quan về điều trị đau bằng phương pháp không dùng thuốc, nguyên nhân và cơ chế; Cấy chỉ giảm đau; Cơ chế và ứng dụng của vận động châm pháp trong điều trị một số bệnh lý đau thường gặp; Vai trò của xoa bóp - Bấm huyệt điều trị đau; Thời châm (Linh quy bát pháp - Tý Ngọ lưu chú).

Hoài Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-tay-y-ket-hop-vu-khi-chua-dau-toan-dien-n190696.html