Động thái bất ngờ liên quan đến dự án nông nghiệp 370 tỉ đồng thuộc Tập đoàn FLC
Chỉ sau ít ngày ban hành văn bản đề nghị chấm dứt dự án nông nghiệp 370 tỉ đồng của một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn FLC, UBND huyện Cam lộ (Quảng Trị) đã xin thu hồi lại vì do các yếu tố nguyên nhân khách quan.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, ngày 2-3 xác nhận vừa ký ban hành văn bản xin thu hồi văn bản số 101/UBND-TCKH ngày 25-2 về việc về việc chấm dứt hoạt động Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM của Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM (thuộc Tập đoàn FLC).
Lý do huyện này thu hồi văn bản "cứng rắn" ban hành trước đó là bởi xét thấy trong quá trình chuẩn bị dự án còn có vướng mắc một số thủ tục và do các "yếu tố nguyên nhân khách quan" nên chưa thể hoàn thành. Huyện Cam Lộ thông tin nhà đầu tư đang cố gắng tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để triển khai dự án.
"Nhằm cùng nhà đầu tư triển khai dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện Cam Lộ nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung, UBND huyện kinh đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ huyện cũng như Tập đoàn FLC để dự án sớm được khởi công" - văn bản nêu.
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, UBND huyện Cam Lộ đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chấm dứt Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM tại tiểu khu 745, 746 xã Cam Tuyền theo đúng quy định pháp luật; đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư khác có năng lực để thực hiện nhằm tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo công tác quản lý đất đai hiệu quả.
Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM được tỉnh Quảng Trị cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM với diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 371 tỉ đồng. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 4-2019. Thế nhưng, đến nay huyện Cam Lộ chỉ mới nhận được từ chủ dự án hơn 5,2 tỉ đồng trên tổng số hơn 14 tỉ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) phải chuyển.
Trước sự chậm trễ này, UBND huyện Cam Lộ đã nhiều lần có văn bản đề nghị công ty sớm chuyển hết kinh phí bồi thường để thuận lợi cho công tác GPMB, thế nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Trong khi, việc quản lý diện tích đất trên gặp nhiều khó khăn do người dân lấn chiếm trồng keo; một số diện tích cây trồng của người dân đến chu kỳ khai thác nhưng không thể khai thác vì vướng GPMB, gây bức xúc trong nhân dân.