Động thái hạt nhân của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gây lo ngại
Trong tuần đầu của Năm mới 2021, cộng đồng quốc tế và giới truyền thông đang bày tỏ lo ngại trước những thông tin hạt nhân của cả Iran lẫn Thổ Nhĩ Kỳ, từ việc Tehran thông báo bắt đầu công việc làm giàu uranium lên tới mức 20%, tới khả năng Ankara có thể có một số lượng lớn các máy ly tâm hạt nhân được sản xuất tại Pakistan.
Từ một Iran bị o ép
Hôm 7/1, người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrooz Kamalvandi tuyên bố, Tehran có thể làm giàu uranium ở độ tinh khiết tới 90%, mức làm giàu để chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo quan chức này, công nghệ của Iran đã tiến bộ đến mức có đủ năng lực sản xuất uranium ở độ tinh khiết với các tỉ lệ phần trăm khác nhau lên 40%, 50%, thậm chí tới 90%.
"Nếu mức độ làm giàu uranium với độ tinh khiết trên 20% được yêu cầu tại một số khu vực, AEOI có thể làm điều đó", ông Behrooz Kamalvandi nói. Quy trình làm giàu uranium với độ tinh khiết 20% đã được khởi động vào ngày 4/1 như một phần của Kế hoạch hành động chiến lược của Iran đã được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 12-2020 nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một ngày sau đó, Giám đốc AEOI Ali Akbar Salehi đã tuyên bố, Iran sẽ sản xuất tới 9kg uranium đã được làm giàu với độ tinh khiết 20% mỗi tháng. Điều này được quy định trong một điều luật được cơ quan lập pháp của Iran thông qua về việc chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tài liệu này cũng xác định việc bắt đầu hoạt động tại đất nước của một thế hệ máy ly tâm mới - ít nhất 174 máy ly tâm IR-6 (số lượng của chúng được lên kế hoạch tăng lên 1.000 trong một năm), cũng như khoảng 1.000 máy ly tâm IR-2M. Luật được thông qua ở Iran cũng quy định việc chính phủ không chấp hành thỏa thuận bổ sung của IAEA về xác minh sản xuất hạt nhân mở rộng trong trường hợp các bên không tuân thủ cam kết của thỏa thuận trong vòng hai tháng sau khi "luật có hiệu lực".
Việc thông qua văn kiện đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, nhưng liên quan đến vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Mohsen Fahridzadeh, Quốc hội Iran đã xem xét luật này một cách nhanh chóng.
Iran từng khẳng định chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tìm kiếm vũ khí hạt nhân, hoạt động hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích dân sự. Tuy nhiên, đáp lại việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran giữa Tehran với Nhóm P5+1, vào tháng 5/2018 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt, Tehran đã bắt đầu từng bước vi phạm các giới hạn.
JCPOA giới hạn kho dự trữ uranium làm giàu của Iran ở mức 202,8kg - con số nhỏ so với hơn 8 tấn mà Iran sở hữu trước khi có thỏa thuận. Giới hạn đã bị phá vỡ vào năm ngoái. Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tháng 11/2020 cho biết, lượng dự trữ đang ở mức 2.442,9kg. JCPOA cũng giới hạn độ tinh khiết phân hạch mà Iran có thể tinh chế uranium ở mức 3,67% - thấp hơn nhiều so với mức 20% trước khi đạt được thỏa thuận và thấp hơn mức dùng làm vũ khí là 90%.
Iran đã vi phạm giới hạn 3,67% vào tháng 7/2019 và mức làm giàu vẫn ổn định ở 4,5% kể từ đó. JCPOA cho phép Iran sản xuất uranium làm giàu bằng cách sử dụng khoảng 5.000 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 tại nhà máy Natanz dưới lòng đất của họ - cơ sở được xây dựng để có thể lắp đặt hơn 50.000 máy (Iran đã lắp đặt khoảng 19.000 máy ly tâm trước thỏa thuận). Iran có thể vận hành một số lượng nhỏ các máy tiên tiến hơn trên mặt đất mà không cần tích lũy uranium đã được làm giàu.
Năm 2019, IAEA cho biết, Iran đã bắt đầu làm giàu bằng các máy ly tâm tiên tiến tại một nhà máy thí điểm trên mặt đất ở Natanz. Kể từ đó, Iran bắt đầu di chuyển ba cụm máy ly tâm tiên tiến tới nhà máy dưới lòng đất. Tháng 11/2020, IAEA cho biết, Tehran đã cung cấp nguyên liệu uranium hexafluoride dạng khí vào tầng đầu tiên trong số các tầng ngầm đó.
Và một Thổ Nhĩ Kỳ đầy tham vọng
Năm 1980, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), ngăn chặn việc vũ khí hạt nhân rơi vào tay các nước khác ngoài "các siêu cường được công nhận" bao gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc là những nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân vào thời điểm NPT được ký kết năm 1968. Thế nhưng, các thế lực khác như Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel đều được cho là đã phát triển và sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Là một thành viên của NATO kể từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mối quan hệ với các thành viên còn lại trong khối trở nên căng thẳng khi tăng cường quan hệ với Nga. Ankara mới đây còn bất chấp lời cảnh báo của Washington để mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Moscow.
Còn nhớ, ngày 4/9/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, việc những quốc gia có vũ khí hạt nhân mà ngăn cấm Ankara sở hữu nó là không thể chấp nhận được. "Một số quốc gia có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, họ bảo chúng tôi không thể sở hữu vũ khí như thế. Tôi không thể chấp nhận điều đó", ông Recep Tayyip Erdogan nói trong cuộc họp của đảng cầm quyền AKP tại thành phố Sivas, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo trang topcor.ru, ngày 4/1, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đang thảo luận ở cấp cao nhất về việc chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Ankara - điều khiến giới truyền thông Ấn Độ lo ngại. Theo các chuyên gia của Zeenews - một kênh tin tức bằng tiếng Hindi thuộc sở hữu của Tập đoàn Essel, để thực hiện các kế hoạch địa chính trị của mình, Tổng thống Erdogan đã quan tâm tới vũ khí hạt nhân.
Trong hai ngày 22 và 23/12/2020, một cuộc họp thường kỳ đã được tổ chức trong khuôn khổ Nhóm Đối thoại Quân sự Cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ-Pakistan (HLMDG), tại đó, ngoài hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, các sắc thái của việc trao đổi công nghệ hạt nhân và tên lửa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã được thảo luận.