Động thái mới của Mỹ về thuế quan
Nhiều quốc gia đang chịu mức thuế ban đầu 10% vẫn chưa tiến hành đàm phán với chính quyền Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3-7 thông báo sẽ thiết lập mức thuế quan đơn phương mà các quốc gia phải bắt đầu chi trả từ ngày 1-8.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết khoảng 10 hoặc 12 thư thông báo được gửi đến các nước trong ngày 4-7 và sẽ có thêm những thư khác được gửi sau đó. Theo trang Bloomberg, ông Donald Trump nói rằng mức thuế sẽ dao động từ 10% đến 70%. Nếu chính thức được áp dụng, mức 70% sẽ vượt xa mức thuế cao nhất mà ông Donald Trump công bố hồi đầu tháng 4. Khi đó, mức thuế cơ bản là 10% đối với hầu hết nền kinh tế và mức tối đa là 50%.
Ông Donald Trump không nói rõ quốc gia nào sẽ bị áp thuế hoặc liệu sẽ có một số mặt hàng nhất định bị đánh thuế cao hơn những mặt hàng khác hay không. Thay vào đó, ông cho rằng "việc ấn định mức thuế mà không cần đàm phán thì dễ dàng hơn nhiều" so với việc đàm phán riêng lẻ với hơn 170 quốc gia.

Các container hàng hóa tại một cảng ở TP Los Angeles, bang California - Mỹ hôm 5-5. Ảnh: AP
Hôm 2-4, ông Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng cao nhưng tạm hoãn trong 90 ngày để các nước có thời gian đàm phán và áp dụng mức thuế chung 10% trong giai đoạn này.
Nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước hạn chót ngày 9-7, ông sẽ đơn phương áp thuế lên họ. Cho đến giờ, chính quyền ông Donald Trump đã đạt thỏa thuận "đình chiến" thương mại với Trung Quốc, cho phép hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này tạm giảm bớt các mức thuế trả đũa nhau.
Động thái trên của ông Donald Trump nêu bật những thách thức trong việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại, không chỉ về thuế quan mà còn về các rào cản phi thuế quan. Các cố vấn cấp cao của ông Donald Trump từng tuyên bố hồi tháng 4 rằng họ sẽ theo đuổi 90 thỏa thuận trong 90 ngày. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này đã vấp phải sự hoài nghi từ các chuyên gia thương mại bởi họ hiểu rõ việc đàm phán thỏa thuận thương mại thường phức tạp và kéo dài.
Cho đến giờ, nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận. Đáng chú ý, theo hãng tin Kyodo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhận định một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản khó có thể được ký kết trong thời gian tới, viện dẫn những phức tạp liên quan đến cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 20-7.
Nhật Bản thuộc số 18 đối tác thương mại lớn được Mỹ ưu tiên đàm phán. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa hai nước đã bị đình trệ do những bất đồng sâu sắc liên quan đến việc ông Donald Trump tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ 2,5% lên 27,5% hồi tháng 4.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đang chịu mức thuế ban đầu 10% vẫn chưa tiến hành đàm phán với chính quyền ông Donald Trump, ngoại trừ Anh. Quốc gia này và Mỹ đã đạt được thỏa thuận hồi tháng 5 để duy trì mức thuế 10% và nhận được ưu đãi cho một số ngành, trong đó có ô tô và động cơ máy bay.
Hàn Quốc, Úc nỗ lực đàm phán
Hàn Quốc đang tìm cách được miễn hoàn toàn hoặc giảm mức thuế đối ứng 25% mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lên nước này, cũng như các mức thuế đối với thép, ô tô và các mặt hàng nhập khẩu khác. Để làm được điều đó, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đang xây dựng một thỏa thuận trọn gói về các vấn đề thuế quan và hợp tác kinh tế trước hạn chót là ngày 9-7.
Để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo có kế hoạch đến thủ đô Washington vào cuối tuần này để gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và các quan chức thương mại cấp cao khác của nước chủ nhà. Ông Yeo hôm 4-7 cho biết tại các cuộc gặp sắp tới, Hàn Quốc dự định trình bày các đề xuất về các vấn đề chính cũng như cách thức thúc đẩy hợp tác công nghiệp cùng có lợi giữa hai bên. Tùy thuộc vào tiến triển của đàm phán, Seoul cũng sẽ tích cực thúc đẩy gia hạn việc đình chỉ thuế đối ứng của Mỹ, nếu cần.
Cũng theo Bộ trưởng Yeo, Mỹ đã yêu cầu được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Hàn Quốc trong các lĩnh vực nông nghiệp, ô tô, kỹ thuật số và dịch vụ trong các cuộc tham vấn thương mại song phương gần đây. Washington cũng kêu gọi Seoul mở rộng việc sử dụng vật liệu và thiết bị do Mỹ sản xuất, tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Mỹ còn thúc giục doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Mỹ và gia tăng nhập khẩu năng lượng từ nước này.
Cùng ngày, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết nước này nhiều khả năng vẫn sẽ chịu mức thuế 10% đối với tất cả hàng xuất khẩu sang Mỹ. Ông Albanese cho rằng với mức thuế này, Úc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như các quốc gia phải chịu mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, chính phủ Úc sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán với Mỹ để được miễn trừ.
Anh Thư
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-thai-moi-cua-my-ve-thue-quan-196250704221148326.htm