Động thái mới nhất của Nga ở Syria

Giữa bối cảnh Syria đang trở nên hỗn loạn sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, Nga đã dần rút quân khỏi tiền tuyến ở miền bắc nước này.

Việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ đã đặt ra câu hỏi về tương lai của các căn cứ quân sự Nga - căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và cơ sở hải quân Tartus.

Theo hình ảnh vệ tinh ngày 13/12, dường như ít nhất hai chiếc Antonov AN-124, loại máy bay chở hàng lớn bậc nhất thế giới, tại căn cứ Hmeimim với phần đầu máy bay mở như đang chuẩn bị chất hàng.

Một quan chức an ninh Syria đồn trú bên ngoài cơ sở này cho hay, ít nhất một máy bay chở hàng đã bay ra ngoài vào ngày 14/12 để tới Libya.

Theo các nguồn tin quân sự và an ninh Syria, Mátxcơva đang rút quân khỏi tiền tuyến và rút một số thiết bị hạng nặng cùng các sĩ quan cấp cao Syria. Tuy nhiên, Nga không rút khỏi hai căn cứ quân sự chính của mình và hiện không có ý định làm như vậy.

Dù một số thiết bị đang được chuyển trở lại Mátxcơva cũng như các sĩ quan cấp cao quân đội Syria, nhưng mục tiêu ở giai đoạn này là tập hợp lại và triển khai lại theo tình hình diễn biến trên thực địa.

Máy bay vận tải hạng nặng An-124 với phần đầu máy bay được nâng lên, tại căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria, ngày 13/12/2024. (Ảnh: Maxar Technologies)

Máy bay vận tải hạng nặng An-124 với phần đầu máy bay được nâng lên, tại căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria, ngày 13/12/2024. (Ảnh: Maxar Technologies)

“Những thách thức ở Syria dường như đang thúc đẩy Nga tăng cường sự hiện diện ở miền đông Libya, ngay cả khi điều đó không nằm trong kế hoạch ban đầu của Moscow chỉ vài tuần trước”, ông Jalel Harchaoui, chuyên gia nghiên cứu về Bắc Phi, thành viên tại Viện nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI) ở London cho biết.

Ông Harchaoui cho rằng, có thể Moscow lo ngại sự hiện diện ngày càng tăng ở Libya sẽ khiến họ “dễ bị tổn thương hơn, và từ đó thúc đẩy bước đi tiếp theo là gửi thêm vật tư để bảo vệ sự hiện diện mở rộng”.

Trong năm nay, Nga đã tân trang các đường băng và xây nhiều cơ sở mới tại các căn cứ không quân ở Libya, cho phép Moscow triển khai sức mạnh dọc theo bờ biển phía nam Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, Libya còn đóng vai trò là một trạm trung chuyển quan trọng cho những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi.

Ngoài ra, Điện Kremlin cho biết, Nga đang thảo luận với giới lãnh đạo mới của Syria về các căn cứ. Theo một nguồn tin từ Nga, Mátxcơva không rút khỏi các căn cứ ở Syria.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015 để hỗ trợ Tổng thống Assad khi phương Tây kêu gọi lật đổ ông, đã cấp cho tổng thống bị lật đổ tị nạn tại Nga.

Nga đã ủng hộ Syria kể từ đầu Chiến tranh Lạnh và đã công nhận nền độc lập của nước này vào năm 1944 khi Damascus tìm cách lật đổ chế độ thực dân Pháp.

Các căn cứ ở Syria là một phần không thể thiếu trong sự hiện diện quân sự toàn cầu của Nga: căn cứ hải quân Tartus là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, trong khi căn cứ không quân Hmeimim là một trạm trung chuyển chính cho hoạt động quân sự ở châu Phi.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/dong-thai-moi-nhat-cua-nga-o-syria-8169.html