Dòng Thames hồi sinh từ 'sông xác sống' bốc mùi
Nhờ hàng thập kỷ bỏ nhiều công sức, cá mập, hải ly và con người đều đã trở về dòng sông biểu tượng của London, nơi trước đây bốc mùi khủng khiếp.
Khoảng 200 năm trước, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, sông Thames của London (Anh) vừa là điểm giao thương, vận chuyển, vừa là nơi xả nước thải của con người và chất thải công nghiệp. Cái nôi của di sản công nghiệp nước Anh nhanh chóng trở thành một mương nước thải khổng lồ. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong mùa hè oi bức năm 1858 đến mức chính quyền phải đóng cửa hai bên bờ sông. Mùa hè năm đó có biệt danh "Cuộc đại bốc mùi".
Dòng sông xác sống
"Cuộc đại bốc mùi" không nổi tiếng như trận hỏa hoạn hay dịch bệnh ở London, nhưng mùi hôi thối đã truyền cảm hứng cho việc phát minh ra hệ thống thoát nước thải hiện đại. Tuy nhiên, tình trạng của sông Thames chưa chạm đáy cho đến năm 1957, khi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thành phố tuyên bố nó "chết sinh thái học". Những động vật chưa bỏ đi đều chết trong nước. Hai năm sau, The Guardian viết rằng: "những người dân đang sống gần và làm việc trên một cống nước thải mở đúng nghĩa".
Tháng 11/2021, một cuộc khảo sát của Hiệp hội Động vật học London cho thấy điều mà nhóm chưa từng thấy ở sông Thames trong hơn 60 năm: dấu hiệu đầy hứa hẹn của sự sống. Hàng trăm loài, trong đó có 115 loài cá, cá mập, cá ngựa, lươn và đôi khi là một con cá voi đi lạc, giờ sống tại vùng nước này. Sông Thames - dòng sông tử thần, dòng sông xác sống - cuối cùng đã bỏ được danh hiệu "chết sinh thái học", theo báo cáo của Hiệp hội. Sự hồi sinh này không chỉ đem lại lợi ích cho những sinh vật sống dưới sông, mà còn cho cả những người sống, làm việc và chơi đùa ở hai bên bờ.
Cơ hội mới về sinh thái học của sông Thames phần lớn là nhờ nỗ lực dọn sạch trong những thập kỷ qua. Hệ thống quản lý nước mới đã giảm hàm lượng phốt pho đáng kể từ những năm 1990. Mức ôxy hòa tan, vốn rất quan trọng để các động vật thủy sinh có thể sống sót, đã có sự cải thiện ngắn hạn. Hệ thống nước thải tồn tại cả thế kỷ được nâng cấp với một "siêu ống thoát".
Alison Debney, quản lý chương trình bảo tồn nước ngọt và nước mặn tại Hiệp hội Động vật học, cho biết: "Tình trạng của dòng sông khá tệ trong 200 năm qua, nhưng bị tuyên bố là chết về mặt sinh học bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên là một thấp điểm. Thiên nhiên có thể đem lại cho ta nhiều phương thức hỗ trợ sự sống nếu chúng ta để cho nó làm như vậy".
Nỗ lực hồi sinh
Con người đã cố gắng hồi sinh những dòng sông chết trong vài thập kỷ trở lại đây. Sông Vĩnh Định của Bắc Kinh (Trung Quốc) cạn khô từ năm 1992. Ngày nay, hệ sinh thái của dòng sông đã được phục hồi với nước lọc sạch từ các nhà máy nước thải, hệ thống thoát nước được nâng cấp, các vùng trồng cây xanh mới ở hai bên bờ sông.
Thành phố New York (Mỹ) đang cải tạo Tibbetts Brook ở Bronz, một đường dẫn nước bị chôn vùi hơn một thế kỷ trước gần cao tốc Major Deegan. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể của thành phố cho Công viên Van Cortlandt, nhằm kiến tạo thêm mảng xanh và giảm nguy cơ ngập lụt của thành phố.
Sông Los Angeles (Mỹ) từng là một dòng chảy lớn và là nguồn nước quan trọng chảy qua trung tâm thành phố. Giờ đây, nó chỉ còn là một dòng chảy hẹp với các kênh bê tông nhân tạo chủ yếu được dùng làm nơi vứt rác từ những năm 1940. Mọi hy vọng làm sống lại dòng sông gần như đã tắt khi có thông tin nó sẽ bị lấp và chuyển thành đường cao tốc vào những năm 1980. Tuy nhiên, một nhóm được dẫn dắt bởi Sở Công trình Công cộng hạt Los Angeles đã vận động không chỉ hồi sinh những gì còn lại của hệ sinh thái sông, mà còn dùng dòng sông như một phương tiện để khôi phục kinh tế bằng cách tạo ra việc làm và cải tạo bờ sông như nguồn lực công cộng. Nhưng trong số những dòng sông xác sống, sông Thames chính là trường hợp nổi tiếng nhất.
Vấn đề với sông Thames (cũng như nhiều dòng sông xác sống khác) là nó không chỉ đã chết, mà hình ảnh còn phai nhạt khỏi trí tưởng tượng của công chúng.
Sau Thế Chiến 2, các điểm giải trí chính dọc bờ sông là những tòa nhà bị bom phá hủy và các nhà kho bỏ hoang. Các tòa nhà dân cư trước đó từng tranh nhau để có tầm nhìn ra sông giờ bắt đầu hướng mặt tiền của mình khỏi dòng sông.
Các nhà máy đóng tàu đóng cửa, khiến nhiều người mất việc làm, biến vùng công nghiệp thịnh vượng trở thành một khu dân cư nhiều vấn đề. Việc phục hồi dòng sông không phải chỉ để tạo không gian cho sự sống trên sông, mà còn để tái thiết lại đời sống và văn hóa mà dòng sông này từng chứa đựng.
Kế hoạch tham vọng
Ưu điểm của sông Thames là có nhiều không gian - tại cầu London, sông rộng đến gần 230 m. Bạn sẽ không thể tìm thấy không gian lớn như thế ở trung tâm London, nơi thành phố đã bắt đầu áp dụng phí tắc nghẽn. Còn cách nào khác để người dân bớt sử dụng xe hơi và xe tải ngoài việc xử phạt? Đó chính là sử dụng dòng sông. Giao thông London, tổ chức chịu trách nhiệm điều hành hệ thống giao thông London, đang tìm cách tăng số chuyến đi trên sông lên 20 triệu vào năm 2035. Dịch vụ xe bus đường sông Thames Clipper đã hoạt động từ năm 1999, dù gần đây đã kết hợp với Uber.
Ngoài ra, thành phố còn hy vọng sẽ khôi phục cơ sở hạ tầng vận tải hàng hóa của dòng sông. London mở xưởng đóng tàu đầu tiên từ hơn một thế kỷ trước. Cơ quan Cảng London đã mua lại các xưởng cũ dọc sông, trong đó có Peruvian Wharf, xưởng đóng cửa hơn 20 năm trước. Cảng Royal Wharf mở cửa trở lại vào năm 2019 sau một đợt nâng cấp lớn, trong đó có một đài quan sát rộng 162 m2 nhìn ra sông.
Thị trưởng London, Sadiq Khan, đang tìm cách xử lý tình trạng thiếu nơi ở bằng các kế hoạch tái thiết gần bờ sông. Thị trưởng đã đầu tư gần 6,8 triệu bảng Anh (tương đương 8,2 triệu USD) vào năm 2018 để tạo ra các chỗ ở giá rẻ cho hàng trăm cư dân ở Royal Docks phía đông London, một khu vực mà công nghiệp đang dần suy thoái. Các ngôi nhà này sẽ có giá thấp hơn 50% so với giá thuê tại thị trường địa phương, với quy mô từ studio đến 4 phòng ngủ.
Thành phố cũng đã áp dụng giảm trừ thuế và các ưu đãi kinh doanh khác ở Royal Docks để khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo việc làm địa phương. Khoảng 8 tỷ bảng Anh (tương đương 9,7 tỷ USD) được đầu tư cho vùng này trong 20 năm để tái thiết các bến tàu, vốn trải dài 18,4 km dọc bờ sông. Hy vọng, điều này sẽ tạo ra một quận kinh doanh và cư ngụ quốc tế hấp dẫn, phản ảnh di sản công nghiệp của London tại vùng bị ám ảnh bởi sự bỏ hoang và nghèo đói. Trong khi số phận của Royal Docks vẫn còn chưa rõ ràng, một số cư dân ở khu nhà giá rẻ đã phàn nàn về việc bị phân biệt đối xử. Những người thuê nhà được trợ giá không được sử dụng bể bơi hạng sang, phòng gym và nhà câu lạc bộ gần đó, trong khi người mua nhà hoặc người thuê ở khu lân cận có quyền sử dụng hoàn toàn.
Không phải mọi kế hoạch cải tạo sông Thames đều chỉ liên quan đến việc xây dựng các tòa nhà mới. Một số là các dự án cộng đồng, nhằm cải tạo hệ sinh thái địa phương ngoài dòng sông, điều giữ cho sông Thames duy trì tình trạng tốt - một nhiệm vụ mà tổ chức thiện nguyện Thames21 đang tiến hành. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy sự hồi sinh của sông Thames cũng cho rằng nhiệt độ nước tăng và mực nước biển dâng dài hạn đồng nghĩa dòng sông cũng có thể trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu. Và đây cũng là một trong những nơi có mật độ hạt vi nhựa cao nhất trong số các dòng sông trên thế giới.
Thames21 đã thêm các vùng đầm lầy vào các công viên, biến các vùng đồng cỏ trống ít có giá trị thành trung tâm đa dạng sinh học. Việc đưa hải ly trở lại London, sau khi chúng đã vắng mặt 400 năm, cũng là một phần kế hoạch "tái hoang dã" của thành phố.
Tổ chức này cũng đưa ra các biện pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề nước thải của thành phố. John Bryden, một quản lý chương trình cấp cao của Thames21, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng làm việc với chính quyền địa phương và chủ đất để xây dựng hệ thống thoát nước bền vững, bất cứ thứ gì để lấy nước sạch ra khỏi cống thải và dự trữ ở vườn nhà, công viên, cạnh đường. Những vườn mưa này tạo ra môi trường sống đa dạng trong chính chúng và là cách tuyệt vời để cộng đồng kết nối với thiên nhiên ngay tại nhà mình".
Các kế hoạch sáng tạo nghệ thuật và văn hóa dọc bờ sông cũng đã được phác thảo. Các địa điểm văn hóa, kiến trúc và tour tham quan động vật hoang dã ven sông, các đường kết nối đi bộ và đạp xe cũng nằm trong tham vọng của thành phố. Hiện tại, tuyến Thames Path, đường đi bộ công cộng hiện dừng ở cửa sông Thames tại London, bắt đầu được mở rộng đến bờ biển Anh.
Sông Thames từng là một dòng chảy đục ngầu, màu nâu và thảm hại, nạn nhân của chất thải từ người và khai thác công nghiệp. Ngày nay, nó vẫn đục và có màu nâu, và chắc sẽ mãi như thế, phần lớn vì thủy triều khuấy bùn từ dưới đáy lên hàng ngày. Nhưng ít nhất, giờ đây, bạn có thể ngồi, đi bộ, chạy ở bờ sông hay đi thuyền trên sông mà không phải nhăn mặt. Mùi của nó hoàn toàn bình thường.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-thames-hoi-sinh-tu-song-xac-song-boc-mui-post1391234.html