Đồng Tháp chú trọng đào tạo nhân lực cho công tác hòa giải cơ sở
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, lãnh đạo Sở Tư pháp Đồng Tháp luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên trong việc thực hiện có hiệu quả công tác này. Ngoài việc đầu tư kinh phí thì việc đầu tư con người, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng hòa giải viên cũng đặc biệt được chú trọng.
Qua 5 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị - xã hội nên hoạt động hòa giải cơ sở của tỉnh Đồng Tháp đã khẳng định được vai trò và tầm quan trọng trong đời sống xã hội.
Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh tăng lên, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết các tranh chấp, ổn định tình hình trật tự tại địa phương; tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân và Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật.
Chất lượng hòa giải viên được nâng cao
Với ý nghĩa thiết thực, hoạt động hòa giải cơ sở tỉnh cũng đã thu hút được nhiều người cùng tham gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc tuân thủ, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật trong toàn xã hội.
Mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với UBND huyện Cao Lãnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho 200 cán bộ tư pháp xã, thị trấn và các hòa giải viên đại diện cho các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện.
Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu – Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, đồng chí Nguyễn Hồng Sự - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh.
Tại hội nghị, các hòa giải viên được ông Nguyễn Ngọc Vạng – Chánh tòa dân sự TAND tỉnh truyền đạt những kiến thức pháp luật, cũng như các kỹ năng cần thiết trong công tác hòa giải.
Theo đó, để công tác hòa giải đạt hiệu quả, hòa giải viên phải có được các kỹ năng cơ bản như kỹ năng tiếp cận đối tượng, kỹ năng phân tích đánh giá, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe v.v…
Bên cạnh đó, các hòa giải viên cũng cần phải đảm bảo thực hiện tốt các nguyên tắc trong công tác hòa giải. Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên không được xúi giụt đương sự khiếu nại, tố cáo không có căn cứ; lợi dụng danh nghĩa hòa giải viên để trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hay hòa giải không đúng quy định pháp luật; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Ngoài ra, các hòa giải viên còn được phổ biến thêm một số văn bản hướng dẫn về hòa giải ở cơ sở như Luật Hòa giải cơ sở 2013; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hào giải cơ sở; công văn của Bộ Tư pháp về việc thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; công văn của TAND tỉnh về việc giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Tại lớp tập huấn, ngoài việc lắng nghe, tiếp thu những truyền đạt của báo cáo viên, các hòa giải viên cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi, câu hỏi xoay quanh vấn đề hòa giải thực tế tại địa phương.
Tham dự lớp tập huấn này là dịp để các hòa giải viên nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải. Việc vận dụng linh hoạt các nguyên tắc, kỹ năng được tập huấn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở địa phương, giúp tăng tỷ hòa giải thành và giúp giữ đoàn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.
Công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả cao
Để công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả, ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Tư pháp huyện Cao Lãnh cho rằng điểm chủ chốt là nâng cao chất lượng hòa giải viên.
Tiêu chuẩn, số lượng và thành phần tổ hòa giải đảm bảm đúng quy định; người được bầu chọn vào tổ hòa giải phải là những người có đạo đức, có uy tín, có kinh nghiệm sống và có kỹ năng trong việc giải quyết các mâu thuẫn sao cho vừa thấu tình đạt lý vừa đúng pháp luật. Như vậy, đối tượng tham gia công tác hòa giải càng lớn tuổi, càng dày dặn kinh nghiệm sống thì tính thuyết phục càng cao.
Ông Trần Văn Đô – Phó Chánh án TAND huyện Cao Lãnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Lãnh có 93 tổ hòa giải với 513 hòa giải viên tham gia hoạt động, thường xuyên được củng cố, kiện toàn đảm bảo đúng thành phần, tiêu chuẩn và hoạt động theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở, Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho hòa giải viên.
Trong những năm qua, số lượng vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, năm sau hiệu quả hơn năm trước và số vụ việc tranh chấp cũng giảm đi.
6 tháng đầu năm, UBND xã, thị trấn tiếp nhận và tổ chức hòa giải 95 vụ tranh chấp, số vụ hòa giải thành là 69 vụ, đạt tỷ lệ 78.94%. Các Tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận và tổ chức hòa giải 212 vụ tranh chấp, hòa giải thành 175 vụ, đạt tỷ lệ 82.54%. Các vụ việc hòa giải chủ yếu liên quan đến tranh chấp dân sự, đất đai, hôn nhân,…
Trong năm 2019, phía TAND huyện cũng đã tiếp nhận 798 đơn thư, trong đó tiến hành hòa giải 790 đơn và đã hòa giải thành 504 vụ việc.
Với 6 năm kinh nghiệm làm Tổ trưởng Tổ hòa giải khóm Mỹ Phú đất liền (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh), ông Lê Minh Tiến chia sẻ, “Công tác hòa giải đối với tôi không có khó khăn gì, tỷ lệ thành công cao lắm, năm 2019 là trên 85%.
Tôi thấy đây là một công việc ý nghĩa, có thể giúp bà con giữ được tình làng nghĩa xóm, hạn chế được khiếu kiện thì bà con không mất thời gian và tiền bạc để đưa nhau ra tòa”.
Cũng là hòa giải viên nhiều năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thu Thảo cho biết, người hòa giải là người có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân cũng như góp phần giảm bớt gánh nặng công việc cho ngành tòa án.
Mặt khác, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, ông Hùng cho biết thêm, Phòng Tư pháp huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên hướng dẫn xã, thị trấn rà soát, có giải pháp tổ chức thực hiện các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật đúng quy định, nhầm nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân ngay tại cơ sở.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 22/2/2020 của UBND huyện về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào cuối năm.