Đồng Tháp: Công nghiệp chế biến giữ vai trò động lực tăng trưởng

Trong năm 2019, công nghiệp chế biến của Đồng Tháp tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp, chiếm 93% tổng giá trị. Các sản phẩm công nghiệp ngày càng được đầu tư phát triển theo chiều sâu, gia tăng hàm lượng công nghệ, chế biến tinh để nâng cao giá trị gia tăng.

Thông tin được ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết Ngành Công Thương Đồng Tháp, diễn ra ngày 26/12.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phát biểu chị đạo tại hội nghị

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phát biểu chị đạo tại hội nghị

Công nghiệp chế biến động lực tăng trưởng

Năm 2019 sản xuất công nghiệp tiếp tục được đà tăng trưởng mạnh, trong đó công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp (chiếm 97,31%/tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp), đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP chung của Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, các sản phẩm công nghiệp ngày càng được đầu tư phát triển theo chiều sâu, gia tăng hàm lượng công nghệ, chế biến tinh để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh theo chuỗi giá trị ngành hàng (lúa gạo, thủy sản chế biến… ). Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh đầu tư vào phát triển chế biến sâu, chế biến tinh để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2019 ước đạt 10.220 tỷ đồng, tăng 10,39% so với năm 2018.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tăng 7,1% so với năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,5%.... Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.250 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2018.

 Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp, tham quan các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bên lề hội nghị

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp, tham quan các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bên lề hội nghị

Để đạt được những kết quả trên, ngành Công Thương Đồng Tháp trong thời gian qua đã tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu lại sản xuất. Mặt khác, một số DN đã quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ mới, đồng thời cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm và tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao góp phần tăng trưởng chung của ngành.

Thương mại, xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực

Trong bức tranh kinh tế của Đồng Tháp, hoạt động thương mại - dịch vụ cũng là điểm nổi bật trong năm 2019. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản đặc trưng của Đồng Tháp ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các DN phân phối lớn, các hệ thống siêu thị (Co.opmart, Lotte Mart, Big C, Hapro,VinMart, AEON…), cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 của Đồng Tháp ước đạt 89.440 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2018. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành thương mại năm 2019 ước đạt 9.760 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2018.

Doanh nghiệp Đồng Tháp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông đặc sản

Doanh nghiệp Đồng Tháp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông đặc sản

Tiếp nối thành công của năm 2018, các DN của Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là hàng nông sản như: Xoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, mãng cầu xiêm sấy dẻo và trà trái mãng cầu xiêm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc… Nhìn chung các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Tháp đều có mức tăng trưởng khá tốt so với năm 2018. Trong đó các sản phẩm may mặc (tăng 155,65%); bánh phồng tôm, bánh kẹo, ngũ cốc (tăng 16,47%).... Riêng mặt hàng cá tra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cá tra của Đồng Tháp.

Trong năm 2020, Sở Công Thương Đồng Tháp đề ra mục tiêu đưa giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 11.125 tỷ đồng, ngành thương mại đạt 10.620 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 101.100 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 1,15 tỷ USD; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 68.940 tỷ đồng, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2019.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp, yêu cầu ngành Công Thương, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, chú trọng tăng trưởng chất lượng, bền vững; tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đưa công tác xúc tiến đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh...

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-thap-cong-nghiep-che-bien-giu-vai-tro-dong-luc-tang-truong-130669.html