Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Thu Đông tránh lũ
Vụ lúa Thu Đông hiện nay ở Đồng Tháp đang được đẩy nhanh tiến độ xuống giống và dự đoán đến cuối tháng 8 này sẽ hoàn thành xuống giống.
Tại tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Thu Đông 2024 hiện đã xuống giống 89.804 ha/120.000 ha, đạt 74,8 % so với kế hoạch, tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Thu Đông tránh lũ ở các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, thành phố Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh.
Đa số diện tích lúa Thu Đông trồng các loại giống lúa có chất lượng cao và cho năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9. Tỷ lệ nhóm giống lúa chất lượng cao đạt trên 70%. Hiện nay giá thành sản xuất lúa dao động từ 3.721 - 3.841 đồng/kg (tăng 28-71 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để đạt sản lượng cao cho mùa vụ, đưa giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng cao, rất cần cơ cấu giống, dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống lúa có chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm giống lúa chính, năng suất cao như lúa Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9.
Vụ lúa Thu Đông hiện nay ở Đồng Tháp đang được đẩy nhanh tiến độ xuống giống và dự đoán đến cuối tháng 8/2024 sẽ hoàn thành xuống giống. Đối với diện tích xuống giống sớm, thu hoạch xong bà con tranh thủ xả lũ lấy phù sa vào đồng ruộng.
Tình hình sâu bệnh trên trà lúa Thu Đông hiện nay ở Đồng Tháp phần lớn là nhiễm rầy phấn trắng với hơn 7.000 ha, bệnh đen lem lép hạt hơn 2.600 ha và bệnh đạo ôn hơn 1.000ha.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trên lúa Thu Đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo bà con áp dụng một số biện pháp như áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như 3 giảm 3 tăng, 1phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50-100% DAP + 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý nước hợp lý, phân hữu cơ... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại.
Từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn; đồng thời, khuyến cáo bà con không phun thuốc trừ sâu phổ rộng sớm ở giai đoạn đầu của cây lúa từ 0-40 ngày để bảo vệ thiên địch. Có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn trỗ lẹt xẹt và trỗ đều.
Đối với rầy phấn trắng cần nhận dạng đúng đối tượng và triệu chứng gây hại; sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng tránh lây lan sang vụ sau, thực hiện gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm để giảm áp lực gây hại.
Hiện nay nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã chủ động đề phòng khi nước lũ đầu nguồn bắt đầu đổ về, bằng việc chuẩn bị đê bao vững chắc, xuống giống nhanh bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ lúa Thu Đông./.