Đồng Tháp: Hòa giải viên tận tâm giữ lại tình làng nghĩa xóm
Hòa giải viên như 'người thứ ba' chen vào giữa mối quan hệ của người khác nhưng mục đích không phải để 'phá hoại' mà là để hàn gắn, chắp nối cho những mâu thuẫn đã, đang và sắp 'bùng nổ'.
Bám sát tình hình địa phương, đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã đi sâu vào đời sống người dân để hóa giải kịp thời các mâu thuẫn. Với tinh thần tự nguyện, nhiệt tình và trách nhiệm, các hòa giải viên đã luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ tình làng nghĩa xóm.
Mô hình Câu lạc bộ (CLB) hòa giải ra đời giúp cho công tác hòa giải thêm hiệu quả, hòa giải viên ngày càng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.
CLB hòa giải phường An Hòa (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) ra mắt vào năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các tổ hòa giải giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với nhau. CLB có khoảng 30 thành viên, mỗi tháng họp mặt một lần để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm và vụ việc cụ thể để mọi người cùng bàn luận và đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất.
Đây cũng dịp để các hòa giải viên nâng cao kỹ năng trong công tác hòa giải cũng như tuyên truyền pháp luật, khích lệ tinh thần và lòng nhiệt huyết của những hòa giải viên.
Từ ngày thành lập đến nay, hiệu quả công tác hòa giải trên địa bàn được nâng cao rõ rệt. Tỷ lệ hòa giải thành từ 90% - 100%.
Nhiều năm thực hiện công tác hòa giải tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Tâm – Trưởng khóm Tân Hòa (phường An Hòa, TP Sa Đéc) đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu và cũng giúp những người xung quanh giữ được tình làng nghĩa xóm, hàn gắn tình cảm gia đình.
Chia sẻ về một trong những kỷ niệm, ông Tâm cho biết, "khi hòa giải một vụ mâu thuẫn gia đình, tôi tìm hiểu thì được biết, người cha tái hôn nhưng không được sự đồng ý của các con nên trong gia đình thường xảy ra cự cãi, gây gổ.
Sau nhiều lần kiên trì nói chuyện, phân tích thiệt hơn, đúng sai cho hai bên nghe, tôi cũng đã giúp cho người cha hiểu ra được trách nhiệm của mình, người mẹ kế cũng hiểu được mình cư xử như thế nào. Còn phía mấy người con cũng giãi bày nỗi lòng của mình. Từ đó đến nay gia đình đó đã sống hòa thuận với nhau hơn. Còn tôi cũng cảm thấy rất vui vì những gì tôi đã làm".
Với những người như ông Tâm, hòa giải không đơn thuần chỉ là một công việc theo trách nhiệm, mà nó còn xuất phát từ niềm đam mê, từ cái tâm của một hòa giải viên. Đối với họ, chỉ cần hòa giải thành công một vụ việc, giúp cho người khác giữ được tình làng nghĩa xóm, giữ được hạnh phúc gia đình, tình cảm với nhau đã là động lực để họ tiếp tục công việc của mình.