Đồng Tháp: Hội thảo 'Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình hội quán'

Sáng ngày 17-10-2019, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo 'Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình hội quán'. Tham dự có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số trường đại học; đại diện thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; thường trực các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đặc biệt là sự tham dự của 84 chủ nhiệm các hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu hội thảo được xem phim tư liệu về quá trình hình thành và phát triển hội quán tại tỉnh Đồng Tháp. Hội quán theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt là nhà của một đoàn thể, là nơi hội họp và các hội viên gặp nhau. Qua thực tế mô hình hội quán ở Đồng Tháp có những nét đặc trưng: là một không gian mở, là thiết chế tự nguyện, đa chức năng, đa thành phần, ra đời dựa trên sự tự nguyện tham gia của người dân, với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội quán là “3 không”, “3 tự”, “3 cùng” (không bộ máy, không ngân sách, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của Hội quán; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Các hội quán đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, đa dạng chủ thể tham gia, nội dung hoạt động phong phú, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bàn chuyện nhà, chuyện xóm, từ đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho các chủ thể tham gia cùng nhau phát tiển và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Hội quán “Tôi yêu màu tím” cho biết, Hội quán được thành lập hơn 1 năm, nổi bật nhất của Hội quán trong thời gian qua là đã tham gia việc trang trí lễ hội Hoa Lan Tao Đàn tại TP. Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Hội quán xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, cho biết việc thành lập hội quán là cách làm đúng đắn, qua đó đã tập hợp người dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng tạo mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân được gần gũi hơn; Giám đốc hợp tác xã toàn xã tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, cho biết từ khi thành lập đến nay đã quy hoạch được vùng sản xuất cây ăn trái, qua đó thành lập được “Bình An Hội quán” chuyên về cây ăn trái, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên mua vật tư nông nghiệp giảm giá thành như: phân bón, thuốc trừ sâu và giống sản xuất; Chủ nhiệm “Minh Tâm Hội quán” ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết Hội quán là một tổ chức tự nguyện, người dân ngồi lại với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm về trồng cây xoài, qua đó tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn, với mô hình “Cây xoài nhà tôi” đến nay đã có hơn 300 cây xoài được bán trên mọi miền đất nước; Chủ nhiệm Hội quán Hoa Kiểng ở xã Hòa Thành, huyện Lai Vung cho biết, toàn diện tích trồng hoa kiểng có khoảng 70ha, chủ yếu Hội quán thực hiện việc nuôi trồng cây bon sai và cây trang trí nội thất; ngoài ra còn có rất nhiều hội quán trên các lĩnh vực khác như: Hội quán Văn nghệ sĩ, Hội quán tham gia hoạt động du lịch Homestay, Hội quán kinh doanh nhà trọ “Tâm Gia Hội quán”…

TS.Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II đánh giá: Hội quán là một mô hình liên kết hợp tác của bà con nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Qua khảo sát thực tế và các tài liệu có liên quan về mô hình hội quán bước đầu cho thấy, đây là mô hình được hình thành từ nhu cầu, mong muốn trước hết là tự thân của người dân địa phương, hội quán là trung tâm kết nối cộng đồng, phát huy tính tự quản cộng đồng, tinh thần trách nhiệm của những “Thủ lĩnh cộng đồng”, khắc phục tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, hội quán là một không gian để người dân đến với nhau, chia sẻ với nhau “nghe nhau nói - nói nhau nghe” từ đó không còn những đố kỵ, hẹp hòi vì những va chạm trong cuộc sống và hội quán là một không gian đáp ứng được nhu cầu đó.

Cũng theo TS.Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Hội quán được thành lập với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Với phương châm “Hợp tác với nhau trong cuộc sống sẽ làm nền tảng cho hợp tác trong sản xuất”. Thực tế là đã có nhiều hợp tác xã dịch vụ lần lược ra đời, hoạt động đúng bản chất trên nền từ các hội quán, từ đó đã tạo ra một phong trào đang lan tỏa, nhân rộng trong toàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: Mô hình hội quán tại Đồng Tháp xuất hiện từ tháng 7 năm 2016 với sự ra đời của hội quán đầu tiên mang tên “Canh Tân Hội quán” tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, cho đến nay đã nhân rộng được 84 hội quán ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chủ yếu là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy mới được hình thành nhưng bước đầu mô hình hội quán đã đem lại nhiều kết quả tích cực như: Về kinh tế, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước hướng tới phát triển các loại hình hợp tác, liên kết hiệu quả hơn; làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp; tạo ra mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh từ cơ sở. Về văn hóa – xã hội, đã làm cho đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện; xây dựng được tinh thần tự chủ, tự quản, tự quyết tại cộng đồng dân cư; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Về an ninh - quốc phòng, làm thay đổi thiết chế dân cư theo mô hình tự quản, tự nguyện; xây dựng được tình làng nghĩa xóm, quy ước nội bộ cộng đồng. Về chính trị, làm thay đổi phương châm, mucc tiêu công tác dân vận trong tình hình mới; đổi mới cách tiếp cận người dân, đa dạng hóa các loại hình tập hợp nhân dân; khắc phục hành chính hóa trong hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đưa Đảng đến gần dân thông qua hình ảnh đảng viên là thành viên Hội quán, cấp ủy, chính quyền các tổ chức chính trị - xã hội với hội quán, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trực tiếp đến với người dân, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, nhất là chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Định hướng phát triển cho hội quán trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động của hội quán tuy có lúc, có nơi vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, bởi vì bất kỳ một mô hình tổ chức nào cũng trải qua những giai đoạn khó khăn, những rào cản từ cơ chế, chính sách, những ý kiến trái chiều, những vướng mắc từ thực tiễn hoạt động. Nhưng với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” và trong giai đoạn hội nhập kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, ban chủ nhiệm các hội quán cần tăng cường trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về biến động thị trường, ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ thông tin vào sản xuất. Ban chủ nhiệm phải thể hiện được vai trò dẫn dắt, điều hành, vai trò thủ lĩnh, để mang lại niềm tin cho các thành viên, phát triển hội quán đa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, chia tổ khi sinh hoạt. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt theo hướng gắn với lợi ích thiết thực của hội viên, gợi mở để các thành viên hiến kế cho hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động phát triển thêm hội viên mới.

Đối với chính quyền và các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt các chương trình phổ biến thông tin, kiến thức, nâng cao năng lực và hỗ trợ các hội quán trong tiếp cận thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng, nâng cao kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý, xây dựng, phát triển và tổ chức hội quán. Tăng cường vai trò kết nối doanh nghiệp với hội quán nhằm thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn nữa việc xúc tiến thị trường cho các sản phẩm của các hội quán, kết nối hội quán đến các thị trường phù hợp, đồng thời kết nối các doanh nghiệp làm ăn có uy tín với các hội quán có chiến lược, tiềm năng.

Qua Hội thảo và từ thực tiễn cho thấy, mô hình hội quán tại Đồng Tháp rất cần được nghiên cứu, trao đổi, nhằm tìm kiếm, đề xuất những giải pháp phù hợp, để tạo một môi trường, một không gian, một thể chế thuận lợi cho mô hình hội quán hình thành và phát triển trong điều kiện, bối cảnh hiện nay.

Sơn TraBan Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/thoisu/2019/13249/dong-thap-hoi-thao-tong-ket-thuc-tien-nghien-cuu-ly.aspx