Đồng Tháp kiến nghị tháo gỡ 7 dự án trọng điểm trên địa bàn
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp kiến nghị Tổng Bí thư Tô Lâm xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đồng Tháp thực hiện các dự án trên địa bàn.
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tham gia buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Về phía Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đã báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Để tháo gỡ một số khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiến nghị Tổng Bí thư Tô Lâm xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đồng Tháp thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị sớm triển khai xây dựng "Trung tâm đầu mối nông sản và thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười" tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung tâm thành lập sẽ nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh cung ứng tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ của Đồng Tháp mà còn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, đề nghị đồng ý chủ trương và sớm bố trí nguồn vốn triển khai xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười tại Khu di tích Gò Tháp. Đây là nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, chưa có Bảo tàng trưng bày, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của Đồng Tháp Mười. Bảo tàng dự kiến có tổng diện tích khoảng 7,8 ha, bao gồm: Diện tích xây dựng công trình 5.909m2, phần trưng bày ngoài trời khoảng 20.000m2, sân khấu trình diễn ngoài trời khoảng 500m2 và đường giao thông, cây xanh, cảnh quan, các công trình phụ trợ khác diện tích khoảng 51.591 m2. Với thiết kế hiện đại, sẽ trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa Đồng Tháp Mười. Bảo tàng khi hình thành sẽ là điểm tham quan văn hóa, lịch sử mới, có sức hấp dẫn cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát huy những giá trị đặc biệt của Đồng Tháp Mười, Khu di tích Gò Tháp. Nếu được đầu tư thực hiện, dây sẽ là công trình tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 700 tỷ đồng.
Thứ ba, đồng ý chủ trương thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, quy mô từ 5.000ha trở lên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp với các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm kích thích, tạo sức hút mời gọi các đối tác, nhà đầu tư lớn, chiến lược nhằm phát triển kinh tế khu vực biên giới của Tỉnh (chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cao hơn so với các khu kinh tế thông thường; hỗ trợ tỉnh giải tỏa đền bù và giải phóng mặt bằng hủy tì để có quỹ đất sạch mời gọi đầu tư theo quy định pháp luật...). Khu kinh tế chuyên biệt khi hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực biên giới.
Thứ tư, đồng ý chủ trương đầu tư tuyển cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn cảng Hồng Ngự - Cao Lãnh (chiều dài khoảng 68 km, quy mô xây dựng 04 làn xe, ti Cần 02 làn dừng khẩn cấp), thuộc tuyến hành lang vận tải từ khu kinh tế cửa khẩu Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp - tỉnh Prây-veng, Campuchia) về khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh) trước năm 2030, để góp phần hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của cả khu vực, tạo kết nối với tuyến cao tốc Cao - Đoài Lãnh - An Hữu, rút ngắn được thời gian, cự ly vận chuyển hàng hóa, hành khách từ cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp đến các vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia là Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và sang Campuchia. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng (tạm tính suất đầu tư theo Quyết định số 816/QĐ-BXD ngày 22/8/2024 của Bộ Xây dựng).
Thứ năm, đồng ý chủ trương đầu tư tuyến Quốc lộ N1 (chiều dài khoảng 40km, quy mô đường cấp III - Đồng bằng) và cầu Tân Châu - Hồng Ngự (vượt sông Tiền nổi tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Án Giang, với quy mô mặt cầu rộng 20,5m và 04 làn xe cơ giới) trước năm 2030, nhằm hoàn thiện tuyến đường N1 tạo thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho khu vực kinh tế cửa khẩu dọc biên giới Campuchia, kết nối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, hình thành tuyến liên kết vùng giữa thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế của hành lang biên giới trong vùng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng (tạm tính suất đầu tư theo Quyết định số 816/QĐ-BXD ngày 22/8/2024 của Bộ Xây dựng).
Thứ sáu, đồng ý chủ trương triển khai dự án Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, hiện nay đã xuống cấp, kết nối giao thông chưa thông suốt, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đề xuất bố trí thực hiện giai đoạn năm 2025 - 2026, với tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 1.238 tỷ đồng.
Thứ bảy, xem xét, triển khai đầu tư Dự án nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền trong giai đoạn 2025 - 2027 (chiều dài khoảng 20,8 km nối sông Tiền và sông Hậu, đạt chuẩn tắc luồng tàu kênh cấp III - đường thủy nội địa theo tiêu chuẩn TCVN 5664-2009). Dự án sẽ góp phần làm giảm chi phí vận chuyển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tuyến đường thủy nội địa nằm trong quy hoạch của hệ thống phát triển giao thông vận tải đường thủy từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau và ngược lại, đồng thời kết nối vận tải liên khu vực với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phương tiện lưu thông qua tuyến kênh này sẽ rút ngắn được quãng đường khoảng 17 km từ sông Tiền và sông Hậu, rút ngắn được khoảng 45km từ khu vực cảng Sa Đéc trên sông Tiền và khu vực cảng Cần Thơ, từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.443 tỷ đồng.