Đồng Tháp Mười - 50 năm tỏa ngát hương sen - Bài 1: Cái nôi cách mạng

Đồng Tháp Mười là tên gọi của vùng đất ngập nước phía Đông sông Tiền, ven biên giới Việt Nam - Campuchia, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Vùng Đồng Tháp Mười rộng khoảng 700.000 ha, có Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Vườn quốc gia Tràm Chim.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng nhất của miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã có những chủ trương, chính sách quyết liệt khai hoang Đồng Tháp Mười, biến nơi đây từ vùng đất phèn chua ngập nước thành vựa lúa lớn bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Quyết sách khai hoang vùng đất hoang hóa này cũng là nguyên nhân quan trọng góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực sau giải phóng, thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài về những đổi thay trên vùng đất này sau 50 năm thống nhất đất nước để thấy những thành quả từ sự cần cù, anh dũng của người dân nơi đây.

Chiến sĩ bộ binh Trung đoàn 201, Sư đoàn 302 hành quân qua vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chiến sĩ bộ binh Trung đoàn 201, Sư đoàn 302 hành quân qua vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bài 1: Cái nôi cách mạng

Khắp nơi Đồng Tháp Mười hôm nay là chứng tích cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của quân và dân Nam Bộ. Ở đây ngày nay vẫn còn những nhân chứng sống, địa chỉ đỏ, chứng tích về một quá khứ hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Căn cứ lòng dân vững chắc

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Nguyễn Đắc Hiền từng tham gia hoạt động cách mạng trong vùng Đồng Tháp Mười nhớ lại, Đồng Tháp Mười xưa là vùng đất trũng thấp, mọc đầy lau sậy, vô số muỗi, đỉa, đất đai nhiễm phèn nặng… Với địa thế hiểm trở, nơi đây từng là đất dung thân của người nghèo, cố thoát sự thống trị của quan Tây, địa chủ.

Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây là căn cứ cách mạng của Đảng, quân và dân ta. Trải qua hai cuộc kháng chiến với nhiều hy sinh gian khổ, Đồng Tháp Mười xuất hiện nhiều vùng đất anh hùng với những người con kiên trung. Xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười) là xã hoàn toàn giải phóng đầu tiên ở tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) và đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo ông Nguyễn Đắc Hiền, đêm 24 rạng sáng 25/12/1959, một phân đội của Tiểu đoàn 502 phối hợp cùng lực lượng nội ứng của ta diệt gọn đồn Vinh Huê đóng tại ngã tư Thanh Mỹ. Cùng lúc đó, quần chúng nổi dậy, kéo nhau đi biểu tình, lùng bắt bọn tề ấp, mật báo ở xóm... Ba mũi giáp công gồm: quân sự, chính trị, binh vận phối hợp tấn công và nổi dậy, xã Thanh Mỹ hoàn toàn giải phóng vào ngày 25/12/1959 - sớm nhất tỉnh Kiến Phong. Bằng cách giữ thế hợp pháp với địch, đấu tranh chính trị kết hợp binh vận và làm du kích chiến tranh, nhân dân Thanh Mỹ bẻ gãy mưu đồ tái chiếm của địch.

Việc nổi dậy và tấn công của nhân dân Thanh Mỹ mở màn cho phong trào Đồng Khởi giải phóng nông thôn ở tỉnh Kiến Phong và khu Trung Nam Bộ; đồng thời, góp phần hình thành phương châm “Hai chân, ba mũi giáp công” (hai chân đấu tranh chính trị - vũ trang; ba mũi giáp công chính trị - vũ trang - binh vận) trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Xã Thanh Mỹ cùng ấp Hưng Lợi và 3 người con của quê hương là Nguyễn Văn Tre, Cao Văn Đạt, Nguyễn Văn Vóc vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cựu chiến binh Lê Văn Rô (sinh năm 1943; ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ) nhớ lại, trong kháng chiến, ông là du kích địa phương, gài mìn, lựu đạn để tiêu diệt địch. Đồn địch dày đặc nhưng người dân hết lòng bảo vệ, nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ ta. Mọi người cùng nhau đào chiến hào, dựng rào chiến đấu, vót chông, cắm chông... ngăn địch càn quét, đánh phá. Thanh Mỹ trở thành căn cứ kháng chiến - căn cứ lòng dân vững chắc. Người dân Thanh Mỹ một lòng theo cách mạng, cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Các trận đánh giành thắng lợi tiêu biểu của địa phương là trận 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng, chống lấn chiếm Kênh Ba Mỹ Điền, đánh đồn Vinh Huê…

Xã Mỹ Trung nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Cái Bè, Tiền Giang) là vùng quê cách mạng, từng ghi nhiều chiến tích qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong ảnh: Nhà bia ghi tên các liệt sĩ làm nên chiến thắng Ngã Sáu - Mỹ Trung. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Xã Mỹ Trung nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Cái Bè, Tiền Giang) là vùng quê cách mạng, từng ghi nhiều chiến tích qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong ảnh: Nhà bia ghi tên các liệt sĩ làm nên chiến thắng Ngã Sáu - Mỹ Trung. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Những chiến công oanh liệt

Tân Thạnh là vùng trọng điểm Đồng Tháp Mười. Vùng đất này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Di tích chiến thắng Kinh Bùi (thuộc địa bàn xã Tân Ninh ngày nay) là nơi ghi dấu những đóng góp của người dân Đồng Tháp Mười kiên trung với cách mạng. Kinh Bùi là tên một con kênh cắt ngang kênh Năm Ngàn (thuộc huyện Tân Thạnh) nối dài tới huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Khu vực này vào ngày 24/6/1953, Tiểu đoàn 309 phối hợp với du kích xã Tân Ninh và Nhơn Ninh đánh tan trận càn quét của giặc từ Chi khu Mỹ Tho vào Đồng Tháp Mười.

Lịch sử huyện Tân Thạnh ghi lại: “Trận chiến diễn ra hơn 40 phút là kết thúc. Ta tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 42 tên, thu trên 100 khẩu súng và nhiều quân trang, quân dụng… Chiến thắng Kinh Bùi làm nức lòng quân dân ta, đã đi vào lịch sử chiến thắng của quân đội ta trong chín năm kháng Pháp”.

Giai đoạn 1946 - 1949, Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ với trung tâm là trục kinh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Tân An (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Khu vực này trở thành “Việt Bắc của miền Nam” với sự hiện diện của các cơ quan lãnh đạo cách mạng cấp xứ, cấp khu, cấp tỉnh. Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của các lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà chính trị và nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà…

Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra nơi đây như: Đại hội đại biểu Xứ ủy Nam Bộ, nơi thành lập đài phát thanh Nam Bộ đầu tiên, nơi ra đời phim tư liệu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam... Khu vực này còn mang đậm dấu ấn của nhiều chiến công vang dội: Chiến thắng Mộc Hóa, chiến thắng Kinh Bùi, cùng sự nổi tiếng của Tiểu đoàn chủ lực 307 với bài hát Tiểu đoàn 307 làm rung động lòng người, Tiểu đoàn 404, Trung đoàn 120... vang danh cả nước.

Bên dòng kênh Dương Văn Dương ngày nay, Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ được xây dựng khoảng 3 ha với nhiều hạng mục công trình như: Nhà trưng bày, các nhà chòi phục dựng nơi ở và làm việc của các lãnh đạo cao cấp của Đảng… Trong đó, ngôi nhà đồng chí Lê Duẩn từng ở và làm việc được phục dựng ngay trên nền nhà cũ. Ngôi nhà nhỏ đậm chất Nam Bộ, xưa là nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én, phần lớn diện tích nhường lại cho đồng chí Lê Duẩn sống và làm việc. Gia đình ông bà che thêm căn chái nhỏ để sinh sống, đồng thời chăm lo việc ăn uống cho đồng chí.

Không chỉ có ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én, nhiều người dân Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ đều hết lòng chở che cho cách mạng. Gần như mỗi nhà dân đều là một căn cứ bí mật của cách mạng. Các hiện vật, tư liệu trưng bày tại khu di tích phần nào giúp các thế hệ sau hình dung rõ hơn về cuộc sống và hoạt động của các chiến sỹ cách mạng, những lãnh đạo tiền bối trong chiến tranh.

Đồng thời, nơi đây còn có Chiến khu 8 (Quân khu 8) được thành lập ngày 10/12/1945, gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh. Ngày 20/10/1946, Phòng Chính trị Chiến khu 8 ra đời tại Đồng Tháp Mười (khu vực này nay thuộc xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Nằm trong khuôn viên xã Nhơn Ninh ngày nay có Phòng truyền thống cơ quan chính trị Quân khu 8 với rất nhiều hình ảnh tư liệu về những sự kiện lịch sử trọng đại và những chiến công oanh liệt của cách mạng miền Nam.

Bí thư Đoàn xã Nhơn Ninh Nguyễn Minh Khang chia sẻ: “Địa bàn Nhơn Ninh là nơi đặt cơ quan chính trị Quân khu 8. Từ thời chống thực dân Pháp tới đế quốc Mỹ, nơi đây đã nuôi giấu cha ông ta trong suốt quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, có nhiều anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất này”.

Đoàn xã thường xuyên tổ chức các hoạt động uống nước nhớ nguồn, giáo dục tư tưởng, hướng thanh niên sống có ích, yêu Tổ quốc, học hỏi phát triển bản thân. Từ đó, thanh niên luôn đi đầu trong các phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất…

Bài 2: Tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười

Đức Hạnh - Nhựt An - Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dong-thap-muoi-50-nam-toa-ngat-huong-sen-bai-1-cai-noi-cach-mang-20250424131632784.htm