Đồng Tháp Mười - 50 năm tỏa ngát hương sen - Bài 2: Tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười

Ngoài thiên nhiên khắc nghiệt, sau chiến tranh, Đồng Tháp Mười cũng bị tàn phá nặng nề. Do đó, mỗi địa phương đã có những quyết sách táo bạo với sự góp sức từ những bàn tay cần lao của nhân dân, cùng khai hoang Đồng Tháp Mười.

Rửa phèn vùng đất ngập trũng

Chăm sóc vụ lúa Hè Thu 2024 tại khu vực cấp mã vùng trồng lúa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Chăm sóc vụ lúa Hè Thu 2024 tại khu vực cấp mã vùng trồng lúa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 68-CP về việc thành lập huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích tự nhiên 32.991,44 ha với 42.031 nhân khẩu, gồm 13 đơn vị hành chính. Ông Phan Minh Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để chinh phục vùng Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn khảo sát và tìm ra mấu chốt khai hoang vùng đất phèn chua, đó là thực hiện các công trình thủy lợi.

Từ đó, Tiền Giang luân chuyển hàng ngàn cán bộ, công chức sở, ban, ngành, lực lượng quân sự… làm nòng cốt, tiên phong tiến về Đồng Tháp Mười khai hoang. Cùng với đó, địa phương huy động sức dân tham gia đào hơn 40 con kênh mới dẫn nước ngọt về, xả phèn cho nơi đây.

Ông Nguyễn Hữu Lăng (82 tuổi, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) - người dân tham gia đào kênh, khai hoang vùng Đồng Tháp Mười kể lại, lúc đó, mỗi huyện của tỉnh Tiền Giang đều có một nông trường ở huyện mới Tân Phước. Người dân trong độ tuổi lao động công ích (từ 18 tuổi trở lên) được huy động tham gia khai hoang ở nông trường. Ở vùng Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ nước phèn nhiều, nước ngọt thiếu nên mọi người thay phiên nhau đào kênh, lấy nước xa cả chục cây số để sinh hoạt. Tuy vất vả nhưng mọi người đều làm việc hăng say.

Nước ngọt về cùng với đường giao thông là hai yếu tố quan trọng để người dân đến sinh sống, trồng lúa, trồng khóm - hai giống cây chủ lực được tỉnh lựa chọn. Đến nay, người dân trong vùng đã nghiên cứu và trồng nhiều loại cây ăn trái khác như: xoài, chuối, mãng cầu, thanh long.

Theo ông Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, sau chiến tranh, diện tích sản xuất lúa của tỉnh Đồng Tháp chỉ có 70 nghìn ha, đa số là sản xuất lúa mùa (1 vụ/năm), năng suất thấp. Sản lượng lúa cả năm chỉ có hơn 200 nghìn tấn, không đủ dùng cho trên 1 triệu dân trong tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ I (năm 1977) xác định, tỉnh phải tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; trong đó, sản xuất lúa là chủ yếu, coi đó là nhiệm vụ chính trị, kinh tế trung tâm của tỉnh và lấy khâu thủy lợi, giống mới làm hai giải pháp cơ bản.

Một phần của tỉnh Đồng Tháp thuộc vùng Đồng Tháp Mười bị nhiễm phèn nặng, trũng thấp, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Để khai phá Đồng Tháp Mười, ngay sau khi tỉnh được giải phóng, Đồng Tháp tiến hành đào nhiều con kênh lớn nhỏ, dẫn nước ngọt từ sông Tiền vào vùng Đồng Tháp Mười để tháo chua, rửa phèn. Nhờ đó, công cuộc trị phèn đã thành công, tăng diện tích trồng lúa cho tỉnh.

Giờ đây, lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, diện tích gieo trồng lúa năm 2024 là hơn 495.900 ha; sản lượng lúa 3 vụ/năm đạt trên 3,3 triệu tấn; giá trị sản xuất ước đạt 18.362 tỷ đồng. Tỉnh phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất.

Giao thông phát triển

Đoạn cắt giữa Quốc lộ 1A với Quốc lộ 62, cửa ngõ từ Long An đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Đoạn cắt giữa Quốc lộ 1A với Quốc lộ 62, cửa ngõ từ Long An đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Quốc lộ 62 - huyết mạch vùng Đồng Tháp Mười được khởi công năm 1979. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An Lê Thanh Tâm nhớ lại, Bí thư Tỉnh ủy Long An khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Chính cho rằng, nhiệm vụ cấp bách và cần thiết nhất lúc này là phải khai mở Đồng Tháp Mười. Sau đó, khai mở Đồng Tháp Mười được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ II (tháng 1/1980). Để làm được việc này phải có một con đường xuyên qua Đồng Tháp Mười, tức là Quốc lộ 62 bây giờ. Hồi đó từ Tân An muốn về Đồng Tháp Mười phải đi qua Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), rồi đi theo đường 49 về Kiến Tường.

Từ quyết sách đó, Long An huy động khoảng 10.000 nhân công, đào đắp đường khoảng 3 tháng, hoàn toàn bằng sức người. Khởi công năm 1979 nên Quốc lộ 62 hồi đó còn gọi là lộ 79. Mở rộng, nâng cao nhiều đợt và sau năm 2000, Quốc lộ 62 mới được như ngày nay.

Trong 50 năm qua, nhất là từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới đến nay, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mời, tỉnh Đồng Tháp) đã có sự chuyển mình rõ rệt, đặc biệt là về hệ thống giao thông nông thôn. Mỹ Đông là xã cán đích đầu tiên trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Tháp Mười vào năm 2014 và đến năm 2021 đạt xã nông thôn mới nâng cao. Trên nhiều tuyến đường nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa là hệ thống đèn chiếu sáng; hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, khang trang.

Sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Đông, ông Lê Văn Nam (sinh năm 1958) phấn khởi trước sự “thay da, đổi thịt” của quê hương. Ông Nam cho biết, sau giải phóng, hệ thống giao thông đường bộ ở Mỹ Đông cũng như nhiều địa phương khác trong huyện Tháp Mười gần như chưa có gì, chủ yếu là đường đất, cầu tre, cầu ván tạm bợ; xuồng, ghe là phương tiện lưu thông chính. Dần dần, giao thông nông thôn từng bước phát triển và rõ nét nhất là từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay. Những con đường đất nhỏ hẹp thay thế bởi những con đường lót đan, trải nhựa rộng rãi, giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Ông cũng như nhiều người dân khác tích cực trồng cây xanh, hoa kiểng ven đường nhằm tạo mỹ quan sạch, đẹp.

Giữ bình yên cho nhân dân

Vùng Đồng Tháp Mười có biên giới với Campuchia nằm trên địa phận tỉnh Long An qua các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường. Đồn Biên phòng Bến Phố quản lý địa bàn thuộc 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng.

Năm 2024, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không phát hiện hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Các ban, ngành, đoàn thể 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A phối hợp tốt với Đồn trong tuần tra, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng Nguyễn Minh Luân cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Bến Phố, thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Qua 10 năm, địa bàn đã có hơn 500 cá nhân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồng thời, Đồn Biên phòng Bến Phố còn thực hiện các phong trào như: Trung thu cho trẻ em, Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản, vận động các nhà hảo tâm thăm hỏi động viên, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người dân… Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia bảo vệ an ninh biên giới.

Theo bà Lê Thị Thu (ấp 3, xã Hưng Điền A), trước đây, tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, người dân bất an. Đồn Biên phòng Bến Phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.Trung tá Trần Văn Quân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bến Phố chia sẻ, đơn vị luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; ngăn ngừa xử lý triệt để các vấn đề khiến nhân dân bức xúc. Đặc biệt, đơn vị chú trọng chất lượng hiệu quả công tác phối hợp vận động quần chúng trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn triển khai đồng bộ các biện pháp trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới để kịp thời phát hiện đấu tranh và chặt đứt đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

Bài 3: Trái ngọt từ sự cần cù của người dân

Đức Hạnh - Nhựt An - Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dong-thap-muoi-50-nam-toa-ngat-huong-sen-bai-2-tien-quan-khai-pha-dong-thap-muoi-20250424133202368.htm