Đồng Tháp: Nguy cơ cung vượt cầu vì ồ ạt trồng cây ăn trái
Việc tăng nhanh diện tích một số loại cây ăn trái theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của cơ quan quản lý tiềm ẩn nguy cơ cung vượt quá cầu, khiến người trồng thiệt hại do giá bán thấp.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây lâu năm ở tỉnh Đồng Tháp là 43.454ha. Mặc dù thời gian qua, nhiều nhà vườn đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ những vườn cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nhiều loại trái cây đặc sản ở Đồng Tháp như xoài, nhãn, quýt, cam, chanh… vẫn bị giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận người trồng cam giảm nhiều nhất.
Diện tích trồng cam đạt 2.354ha; giá thành sản xuất bình quân đạt 13.570 đồng/kg, giá bán 17.500 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận bình quân gần 86 triệu đồng/ha, giảm 259 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.
Trái cây đặc sản ở Đồng Tháp nổi bật là xoài cát Hòa Lộc, cát Chu ở huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, năm nay giảm lợi nhuận hơn 2,3 triệu đồng/ha.
Hiện nay, diện tích trồng xoài của tỉnh là hơn 14.000ha; giá thành sản xuất bình quân 10.488 đồng/kg (tăng 1.276 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân 14.000 đồng/kg (tăng 1.666 đồng/kg so cùng kỳ), nhưng lợi nhuận chỉ đạt mức 16 triệu đồng/ha, giảm 2,3 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.
Cây xoài đang là thế mạnh ở Đồng Tháp, nhưng còn nhiều vướng mắc về đầu ra và nhất là giá cả lên xuống bất thường, nên người trồng thậm chí thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, do nguồn cung dư thừa, không tiêu thụ được ra nước ngoài nên người trồng xoài chịu thiệt.
Ông Thắng cho biết thêm từ khi xoài cho ra bông đến thu hoạch 3,5 tháng, tính chi phí cho việc mua bao, công bao xoài, tiền thuốc, công chăm sóc và công thu hoạch, vào thời điểm hơn 3 tháng nay mỗi hécta xoài từ hòa vốn hoặc chỉ lãi hơn chục triệu đồng.
Hiện tại, tỉnh chưa quản lý được sản lượng cung cấp ra thị trường các tháng trong năm. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến xoài trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào các vựa trái cây lớn nên đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định.
Vùng trồng quýt hồng, quýt đường ở Nam sông Hậu thuộc huyện Lai Vung cùng chung xu hướng giảm lợi nhuận. Diện tích gieo trồng quýt đạt 2.252ha; giá thành sản xuất bình quân 13.800 đồng/kg, giá bán bình quân 18.000 đồng/kg, lợi nhuận 105 triệu đồng/ha, giảm 95 triệu đồng/ha so cùng kỳ 2022.
Đối với cây chanh, đầu năm đến nay giá bán cũng thất thường. Diện tích trồng chanh đạt 2.586ha; giá thành sản xuất bình quân 6.567 đồng/kg, tăng 857 đồng/kg so cùng kỳ; giá bán bình quân 15.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so cùng kỳ, lợi nhuận gần 179 triệu đồng/ha (giảm 7 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022).
Vùng trồng nhãn Idor, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn tiêu da bò ở huyện Châu Thành với diện tích 4.047ha, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so cùng kỳ, lợi nhuận gần 158 triệu đồng/ha, tuy lợi nhuận cao, nhưng vẫn giảm 77 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.
Ông Huỳnh Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho biết người trồng nhãn trước đây đa số chỉ bón phân vô cơ, nên năng suất và chất lượng không cao, chỉ đạt 15-20 tấn/ha, giá thu mua lại thấp. Từ khi chuyển qua trồng theo hướng hữu cơ, năng suất nhãn tăng đến 30 tấn/ha.
Hiện nay, chủ trương của hợp tác xã là hướng nông dân chuyển dần sang hướng hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư tăng năng suất giúp bà con nâng cao thu nhập vì chất lượng sản phẩm vượt trội, được xuất sang các thị trường "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc tăng nhanh diện tích một số loại cây ăn trái theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý tiềm ẩn nguy cơ cung vượt quá cầu ảnh hưởng đến giá bán thấp, trong khi giá thành chi phí cho sản xuất trái cây tăng cao. Mặc dù cơ quan chuyên môn chủ động tuyên truyền, nhưng người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc trồng theo phong trào.
Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi nhà vườn có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, dẫn đến trong cùng một loại trái cây nhưng chất lượng không đồng nhất và chưa đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngành chuyên môn chủ động cấp mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhưng việc quản lý sản lượng sản phẩm của mã số vùng trồng chưa có thông tin hai chiều từ Trung ương đến địa phương, nên việc quản lý mã số vùng trồng chưa đồng bộ, kịp thời và hiệu quả./.