Đồng Tháp: Nhiều 'mỏ vàng' được cấp phép, gia hạn sai quy định
Với vị trí tiếp giáp sông Tiền và sông Hậu, Đồng Tháp là một trong 2 địa phương có trữ lượng cát sông đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long. Sở hữu nhiều 'mỏ vàng' nên việc khai thác cát có phép và trái phép ở địa phương này diễn ra rầm rộ, nhiều khu vực người dân liên tục chạy lở. Mới đây, Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép hết hạn sau ngày 01/7/2011 cũng như cấp mới 7 giấy phép khai thác cát chưa đúng quy định.
Mỏ cũ, mỏ mới đều… sai
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tại một số tỉnh phía Nam cung cấp cho dự án (DA) giao thông quan trọng quốc gia. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (KTKS) làm VLXD thông thường của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2009 - 2020, tỉnh này có tổng diện tích quy hoạch khai thác cát sông gần 724ha, trữ lượng hơn 173 triệu m3, trong đó cát san lấp có diện tích hơn 542ha, trữ lượng hơn 104 triệu m3.
Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, ở DA xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn đầu cầu thuộc DA xây dựng đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (đi qua Tiền Giang, Vĩnh Long) với chiều dài khoảng 6,61km do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, DA cần hơn 495.600m3 cát do Công ty Cổ phần xây lắp và VLXD Đồng Tháp khai thác tại Ðồng Tháp cung cấp. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp đã không cấp phép khai thác cát cho DA này. Nguồn cát phục vụ cho công trình do đơn vị thi công mua qua trung gian cung cấp và vận chuyển cho DA.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép (với diện tích hơn 753ha, trữ lượng hơn 25 triệu m3) hết hạn sau ngày 01/7/2011 (Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành) là không đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cấp mới 7 giấy phép khai thác cát (với diện tích hơn 273ha, trữ lượng hơn 14 triệu m3 qua hình thức lựa chọn) thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát cung cấp cát ra thị trường là chưa đúng quy định.
Bước đầu, Thanh tra Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu của vi phạm trên là do việc áp dụng quy định pháp luật của UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở Tài nguyên và Môi trường chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân khách quan. Việc cấp và gia hạn giấy phép khai thác cát không đúng dẫn đến một khối lượng lớn cát được khai thác và cung ứng ra thị trường. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét xử lý phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.
Qua quá trình kiểm tra, xử lý nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan CSĐT xem xét theo thẩm quyền; rà soát các giấy phép KTKS làm VLXD thông thường đã cấp và gia hạn; xem xét thu hồi các giấy phép còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép cấp qua đấu giá hoặc được xác định cung cấp cho các công trình theo quy định), hoặc điều chỉnh giấy phép (nếu đủ điều kiện) nhằm bảo đảm cung cấp cho các công trình theo quy định.
Doanh nghiệp nào được "ưu ái"?
Theo báo cáo vào tháng 7/2023 của Công ty Cổ phần Xây lắp và VLXD Đồng Tháp gửi UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị này được cấp phép gia hạn 14 giấy phép khai thác với tổng sản lượng là 918.298m3 để cung cấp cho các công tình có vốn đầu tư công theo yêu cầu của Sở Xây dựng. Tổng sản lượng cát đã cung cấp theo danh mục công trình là 722.657m3, còn lại 195.614m3. Đến thời điểm hiện tại, thời gian cấp phép của các giấy phép gia hạn đã hết nhưng có 3 giấy phép các đơn vị thi công không đến nhận cát. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Hồ Thanh Phương (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp) khẳng định, các mỏ cát ở Đồng Tháp chỉ có Công ty Xây lắp và VLXD Đồng Tháp là đơn vị được Nhà nước cấp phép khai thác.
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp, tổng số tiền cấp quyền khai thác cát sông phải nộp trong giai đoạn 2014 -2022 là 178,4 tỷ đồng, tổng số đã nộp là 178,1 tỷ đồng, còn lại 304 triệu đồng chưa đến hạn nộp. Từ năm 2011 đến cuối năm 2022, tổng số tiền thuế tài nguyên phải nộp là 513,3 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 346 tỷ đồng, doanh nghiệp khai thác đã nộp đủ 100%. Riêng Công ty Cổ phần Xây lắp và VLXD Đồng Tháp, trong thời kỳ trên đã nộp tổng cộng 1.013,9 tỷ đồng. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác là 154,4 tỷ đồng, thuế tài nguyên 513,3 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 346 tỷ đồng.
Như Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, Sở TN&MT Đồng Tháp vừa phối hợp Công ty đấu giá hợp danh Miền Tây tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu, với tổng số tiền gần 194 tỷ đồng. Mỏ cát trên sông Tiền (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) có trữ lượng dự báo 475.410m3, thuộc loại khoáng sản cát san lấp, giá khởi điểm hơn 4,8 tỷ đồng. Qua thông báo mời thầu, tổ chức thẩm định hồ sơ có 10 công ty tại Đồng Tháp và các tỉnh An Giang, Long An, Vĩnh Long, TP.Đà Nẵng đủ điều kiện tham gia đấu giá. Mỏ cát trên sông Hậu (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) có trữ lượng dự báo hơn 1,7 triệu m3, thuộc loại khoáng sản cát san lấp, giá khởi điểm hơn 17,4 tỷ đồng. Qua thông báo mời thầu, có 8 công ty ở Đồng Tháp và nhiều tỉnh thành đủ điều kiện được chọn tham gia đấu giá.
Kết quả, đối với mỏ cát trên sông Tiền, qua 37 vòng trả giá, Công ty TNHH MTV Trường An Thoại Sơn (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền 56,36 tỷ đồng. Với mỏ cát trên sông Hậu, qua 15 vòng trả giá, Công ty TNHH Đông Thành Lấp Vò Đồng Tháp (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền hơn 137,46 tỷ đồng. Với việc 2 mỏ cát trên được đưa ra đấu giá và trúng đấu giá với số tiền cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đã đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Qua đó xóa thế "độc quyền" của Công ty Cổ phần Xây lắp và VLXD Đồng Tháp tại địa phương này.