Đồng Tháp: Thích ứng an toàn phải bảo đảm sức khỏe người dân

Suốt 2 tuần nay, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Đồng Tháp vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày, khiến tâm lý một bộ phận người dân gần đây có sự bất an trước tình trạng số ca bệnh và tử vong ngày một nhiều, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chấn chỉnh công tác điều trị F0 tại Hội nghị giao ban phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chấn chỉnh công tác điều trị F0 tại Hội nghị giao ban phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đến sáng 1/12, Đồng Tháp có hơn 22.000 ca nhiễm Covid-19. Trong ngày 30/11, tỉnh ghi nhận 602 ca mắc. Một tuần nay, trung bình mỗi ngày Đồng Tháp ghi nhận 600 ca nhiễm Covid-19; trong 3 ngày liên tiếp, có 19 ca tử vong do mắc Covid-19. Đó là chưa kể những ca rất nặng được chuyển điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng không qua khỏi.

Lơ là trong phòng, chống dịch

Đồng Tháp đang là địa phương nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có số ca mắc và tử vong cao trong cả nước. Điều này là rất đáng lo ngại, bởi trước đó không lâu, Đồng Tháp kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh.

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, có địa phương cho rằng do tình hình người từ vùng dịch về dẫn đến lây nhiễm, có nơi lại cho rằng quá nhiều ổ dịch chưa xác định nguồn lây. Nơi thì nhận định nguồn lây chủ yếu từ đám tiệc, tụ tập bạn bè ăn uống tại nhà mà không bảo đảm nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch.

Theo quan sát, nắm thực tế của phóng viên Báo Nhân Dân, sau khi không còn thực hiện giãn cách như trước đây, không ít người dân và cán bộ công chức ở Đồng Tháp có sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Dù xuất hiện nhiều ổ dịch lớn khắp nơi, ca nhiễm Covid-19 xuất hiện khắp xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhưng nhiều người ngộ nhận rằng đã sống chung thì còn chi sợ dịch!

Có không ít trường hợp không đeo khẩu trang, khi lực lượng tuần tra phát hiện được thì chạy trốn vào bụi cây, núp vào nhà hàng xóm. Lực lượng tuần tra phải nói vọng vào: “Các cô chú hoàn cảnh khó khăn, không đeo khẩu trang lỡ nhiễm bệnh rồi bỏ công ăn việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Với lại mong các cô chú thương tụi con, nhiều tháng nay vì phòng ngừa dịch cho bà con mình mà tụi con không được về nhà với gia đình, vợ con”.

Hiện tượng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19 những ngày qua tại Đồng Tháp đã khiến người dân có tâm lý khá lo lắng, một phần vì diễn biến dịch bệnh quá phức tạp, một phần vì số ca tử vong tăng cao dù không ít người đã được tiêm vaccine, trong đó có nhiều người tuổi đời dưới 50.

Những ngày này, người dân tại xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, không khỏi lo lắng cho tình trạng sức khỏe của người thân, bà con hàng xóm khi địa phương này liên tiếp xuất hiện các trường hợp F0 trong cộng đồng. Chị N.D.T., ngụ ấp 3, xã Đốc Binh Kiều tâm tư: “Tôi thấy có những trường hợp đi đám tiệc, ăn nhậu nhà bạn bè rồi về nhà lây nhiễm cho người thân mình. Vậy mà cũng có tình trạng ngồi tụm lại nói chuyện với nhau không giữ khoảng cách. Lỡ nhiễm bệnh rồi đột ngột diễn biến nặng, có chuyện gì đau lòng lắm”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Phạm Thiện Nghĩa cho biết, những ngày qua, địa phương vào cuộc mạnh mẽ nhưng hiệu quả chưa giảm được, mà lại tăng hơn. Một số địa phương giảm nhưng lại có những địa phương tăng rất cao. Đồng chí đề nghị các địa phương phải xác định rõ nguyên nhân xảy ra từng ổ dịch. Gần cuối năm rất nhiều nhiệm vụ, nên có thể thời gian tập trung phòng dịch không cao như trước đây, do đó đây được xem là khuyết điểm. Cần bố trí sắp xếp thời gian hợp lý hơn, tránh việc lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Trước việc xuất hiện nhiều cơ quan ở huyện, tỉnh có ca nhiễm Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho rằng đó thuộc về trách nhiệm của người lãnh đạo. “Trong tuần qua có nhiều sở, ngành có cán bộ nhiễm, trong đó có nguyên nhân đi đám tiệc bị nhiễm. Vì thế tôi đề nghị lãnh đạo phải làm gương, đồng thời phải xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức nhiễm Covid-19 do lỗi chủ quan. Yêu cầu cán bộ công chức chú ý trong việc giao tiếp các nhóm nguy cơ, bảo đảm nghiêm khẩu trang, giữ khoảng cách. Mọi nỗ lực chống dịch phải được đồng bộ, không xem trọng việc này mà bỏ việc kia.” Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Trước sự chủ quan của người dân trong thực hiện đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng yêu cầu các Tổ nhân dân tự quản phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Song song đó, lực lượng chức năng phải xử phạt hành chính trong việc không bảo đảm phòng, chống dịch.

Chấn chỉnh trong điều trị F0

Số ca bệnh tăng cao kéo theo nhiều bệnh nhân nhập viện cũng tăng theo. Đến sáng 1/12, tỉnh Đồng Tháp đang điều trị 7.097 ca nhiễm Covid-19, trong đó, tại nhà, nơi cư trú là 1.448 ca. Tỉnh có 138 ca nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng.

Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, nơi ngày đêm tích cực điều trị cho hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, nơi ngày đêm tích cực điều trị cho hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Trước số ca nhiễm tăng cao, nhiều địa phương đã mạnh dạn thực hiện điều trị F0 tại nhà. Đến nay, huyện Châu Thành cho điều trị hơn 160 ca nhiễm Covid-19 tại nhà. Huyện cũng đã mạnh dạn thí điểm khi có nhiều F0 có chỉ số CT từ 16 đến 25 cũng cho điều trị tại nhà, lý do cả nhà đều là F0, hoặc nhà chỉ 1 đến 2 người.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị các địa phương mạnh dạn thí điểm. Bởi qua kiểm tra, tìm hiểu, nhiều địa phương cho biết chỉ mới đang chuẩn bị kế hoạch, dù tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà cách nay hơn 1 tháng. “Trong bối cảnh này, các địa phương tránh trạng thái sợ và không dám áp dụng điều trị F0 tại nhà, quan trọng là việc quản lý, theo dõi các trường hợp F0 tại nhà sao cho chặt chẽ”, đồng chí Phan Văn Thắng đề nghị.

Chỉ đạo công tác điều trị F0 tại nhà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh một khi điều trị F0 tại nhà thì việc cấp phát các túi thuốc phải kịp thời cho người dân.

“Tôi đi thực tế hỏi người dân, thì biết có bà con còn tiếp cận rất chậm túi thuốc điều trị, có trường hợp 3 ngày sau nhiễm Covid-19 mới chuyển túi thuốc cho dân điều trị. Do đó đề nghị các ngành cùng phối hợp bắt tay vào làm, việc đi phát túi thuốc không nhất thiết chỉ nhân viên ngành y tế mà nhiều ban ngành khác đều có thể tham gia”, đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị.

Về điều trị F0, tỉnh đề nghị phân loại là phải kịp thời, phải đúng và trúng. Đề nghị ngành y tế cho cơ chế phải tái kiểm 2 tuyến. Tuyến dưới phân loại để kịp thời đưa lên tuyến trên. Đồng thời, tuyến trên chấp nhận tiếp nhận bệnh nhân, sau đó tuyến trên tiếp tục tái phân loại, nếu tuyến dưới phân loại không đúng thì trả về.

Có tình trạng, thời gian qua chủ yếu kiểm tra bằng bảng hỏi và các đơn vị tiếp nhận cũng chấp nhận phân loại bệnh thông qua bảng hỏi. Khi lên tuyến trên có những trường hợp sợ bệnh, khai quá mức để được điều trị. Nhưng cũng có trường hợp giấu bớt bệnh để được ở lại nhà, ở lại điểm cách ly tuyến xã. Chính vì thế nên phải tái kiểm 2 đầu cả đơn vị chuyển và nhận để tiếp tục phân loại, sắp xếp F0 cho hợp lý, từ đó sẽ điều chỉnh được tính hiệu quả trong phân tầng điều trị F0.

Một điều mà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm là phải theo dõi thật chặt chẽ sức khỏe của các bệnh nhân F0 tại các cơ sở tiếp nhận bệnh, đặc biệt là tuyến huyện, khu cách ly F0 của xã.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cảnh báo Tiểu ban điều trị và các đơn vị cơ sở, nếu không theo dõi kịp thời các F0 tại các khu tiếp nhận bệnh một cách đầy đủ trách nhiệm thì dẫn đến tình trạng bỏ sót thông tin, dễ dẫn tới xử lý chậm tình huống. Quá trình theo dõi bệnh nhân, chú ý những thông số cần thu nhận trong ngày là phải thu nhận được, chứ không phải chỉ hỏi chung chung là hôm nay cảm thấy khỏe hay không khỏe, thấy trong người ra sao? Trong khi đó, yêu cầu phải xác định được chỉ số SpO2, đây là một chỉ số cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá về tình trạng bệnh, mà không có thì không được. Như vậy, phải bảo đảm được cơ chế kiểm tra, theo dõi việc khám. Không xử lý kịp thì không chỉ người già bệnh nền mà người trẻ cũng tử vong. Do đó, phân tầng điều trị không có nghĩa là buông lỏng khâu theo dõi sức khỏe của nhóm F0 đang nằm trong tầng điều trị, kể cả nhóm điều trị tại nhà. Không bắt buộc phải chạy đến tận nơi nhưng thông tin theo dõi là phải nắm.

“Tuyệt đối không để chuyển trạng thái bệnh của F0 mà chúng ta không phát hiện kịp thời, dẫn đến hiệu suất chữa trị giảm, từ đó tầng nặng điều trị sẽ khá cao. Cái cực trong theo dõi định kỳ không bằng cái cực xử lý bệnh nhân rất nặng, dẫn đến tình trạng đau lòng. Việc này đôi khi không phải bác sĩ mà chỉ cần giao một bộ phận phụ trách, tình nguyện viên đi nắm thông số, sau đó bác sĩ đọc thông số và xử trí từng trường hợp. Với tình trạng hiện nay thì việc theo dõi bệnh nhân tại các tầng tiếp nhận, điều trị cực kỳ quan trọng, kể cả tầng tuyến huyện, nơi điều trị tuyến xã”; đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/dong-thap-thich-ung-an-toan-phai-bao-dam-suc-khoe-nguoi-dan-676314/