Đồng Tháp thực hiện kịp thời các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Đồng Tháp đánh giá, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhằm bảo đảm thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Chiều 30.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đến dự và chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCTN tỉnh Đồng Tháp, qua 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã triển khai đầy đủ và thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy nổi bật là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26.12.2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kết luận số 05-KL/TW ngày 3.6.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6.4.2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3.01.2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28.4.2016 về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Về công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và công tác tuyên truyền PCTN luôn được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác PCTN đã tiến hành hành thanh tra 190 cuộc, đối với 282 đơn vị.
Kết quả cho thấy, đối với công tác kê khai, minh bạch về quản lý, sử dụng tài chính - tài sản công và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công khai công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn và các thủ tục hành chính. Qua kiểm tra 846 đơn vị về việc thực hiện công khai, minh bạch chưa phát hiện sai phạm đến mức xử lý.
Đối với quy định về tặng quà, nhận quà tặng và kiểm soát xung đột lợi ích ở cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra 335 cuộc nhưng chưa phát hiện vi phạm đến mức xử lý.
Về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, các đơn vị đã triển khai, thực hiện kê khai tài sản, thu nhập 17.555 người. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại 26 đơn vị, chưa phát hiện vi phạm.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, trong 5 năm qua, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng số 35 vụ việc, 47 đối tượng tham nhũng được phát hiện (có 25 đối tượng là Đảng viên); tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện trong kỳ báo cáo là 485,9 tỷ đồng. Đến nay, ngành chức năng thu hồi tài sản 44,9 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo PCTN cho rằng, số tiền bị thất thoát chiếm đoạt từ các vụ án tham nhũng là rất lớn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, Doanh nghiệp, của Nhân dân, nhưng tỷ lệ thu hồi được so với tổng số tiền thiệt hại đạt tỷ lệ thấp là do các đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản. Ngoài ra, kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa được các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm báo cáo đầy đủ.
Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vướng mắc trong công tác thanh tra, phối hợp xử lý kết quả thanh tra; thảo luận những vụ án tham nhũng ngoài cơ quan nhà nước đang có chiều hướng gia tăng nên cần có biện pháp phòng, ngừa ngăn chặn; công tác phòng ngừa PCTN ở các lĩnh vực tài nguyên môi trường, thi hành án...
Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thương, nhận định, qua kiểm tra, giám sát, nhận thấy các cấp ủy, chính quyền ngày càng quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra kinh tế - xã hội, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý đất đai, tài chính, đầu tư công, xây dựng cơ bản, và quản lý tài sản công. Nhờ đó, nhiều sai phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời, bao gồm các hành vi thất thoát ngân sách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cá nhân và vi phạm quy định về quản lý tài sản công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các kết luận thanh tra còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt là việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra còn chậm. Một số vụ việc vi phạm chưa được xử lý dứt điểm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ghi nhận các kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo PCTN các cấp. Từ sự vào cuộc các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo PCTN các cấp đã giúp Đồng Tháp không có những vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp băn khoăn và đề nghị Thanh tra tỉnh phối hợp ngành chức năng làm rõ vì sao số tiền tham nhũng hơn 485 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi hơn 44,9 tỷ đồng?
Để công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt hơn nữa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị Thanh tra tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị; xây dựng kế hoạch thanh tra trọng tâm, trọng điểm, tránh bỏ sót; Nâng cao nhận thức về PCTN, tăng cường công tác tuyên truyền và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; quan tâm đến lực lượng cán bộ thanh tra, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tham nhũng.