Đồng thuận với lợi ích chung của cộng đồng

Kỳ III: Đồng thuận - Nút thắt cần sớm được tháo gỡ

Với lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh hàng trăm tấn mỗi ngày thì việc áp dụng xử lý rác thải theo phương thức hiện đại, dần thay thế biện pháp đốt thủ công và chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết. Vì lẽ đó, chủ trương triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa (Lập Thạch) được xem là giải pháp căn cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cán bộ thôn Ngọc Sơn, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) đến từng hộ dân vận động tuyên truyền và giải thích thắc mắc cho người dân.

Cán bộ thôn Ngọc Sơn, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) đến từng hộ dân vận động tuyên truyền và giải thích thắc mắc cho người dân.

Công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do nhân dân chưa đồng tình, ủng hộ. Trong khi đó, số lượng đơn vị áp dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại vẫn còn rất khiêm tốn, chưa kể số lò đốt thủ công được tỉnh hỗ trợ cho các địa phương đến nay đã không còn phù hợp.

Để có định hướng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn, cuối năm 2021, huyện Lập Thạch tổ chức đoàn công tác gồm các đồng chí đại diện cán bộ, đảng viên, người dân xã Xuân Hòa và Ngọc Mỹ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Nhà máy đốt rác phát điện ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Được biết, đây là nhà máy đầu tiên trên cả nước áp dụng công nghệ “biến” rác thải thành tài nguyên, đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về môi trường và điều kiện kinh tế.

Tương tự, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa cũng là một trong số ít các dự án về môi trường trên địa bàn tỉnh có công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng trạm quan trắc tự động, chương trình quản lý và giám sát môi trường.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 3269/2021 của UBND tỉnh đã đề cập đến các tác động trong giai đoạn nhà máy xây dựng, vận hành cũng như quy mô, tính chất của các loại nước thải, bụi, khí thải, CTR thông thường, chất thải nguy hại...

Theo đó, chủ đầu tư đã đưa ra các giải pháp BVMT về thu gom, xử lý và phòng ngừa sự cố về môi trường như thiết kế hồ chứa nước thải với tổng dung tích 675 m3; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Đồng thời, xây dựng chương trình quản lý và giám sát môi trường đăng tải công khai thông tin, dữ liệu, chỉ số khí thải, nước thải... trên trang thông tin của Tổng cục Môi Trường (Bộ TN&MT), truyền dữ liệu về Sở TN&MT, hiển thị trên màn hình lớn đặt tại cổng nhà máy.

Khó mấy cũng quyết tâm !

Trong quá trình triển khai, địa điểm thực hiện dự án đã được lấy ý kiến thống nhất của các ban, ngành chức năng trên địa bàn huyện Lập Thạch; Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Hòa; đại diện các tổ chức, đoàn thể; đại diện hai thôn Thành Công và Đồng Chủ, xã Xuân Hòa; quy trình, thủ tục triển khai dự án được thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Đồng thời, thông qua các buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Lập Thạch và các cơ quan chuyên môn đã giải đáp những thắc mắc của người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực BVMT của Đảng, Nhà nước.

Theo đó, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải có khoảng cách bảo đảm an toàn môi trường đến khu dân cư theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng. Toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động của nhà máy được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt QCVN 40: 2011/BTNMT, cột B, tuần hoàn tái sử dụng 100%.

Đối với mùi, bụi, khí thải được xử lý bằng hệ thống tháp hấp thụ với than hoạt tính, dẫn về hệ thống xử lý để đạt QCVN 61-MT: 2016/BTNMT trước khi xả ra môi trường.

Trong quá trình dự án triển khai, UBND tỉnh sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với chủ đầu tư. Nếu phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT và Quyết định phê duyệt ĐTM thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định hoặc xem xét việc đóng cửa nhà máy.

Sở TN&MT kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung BVMT trong báo cáo tác động môi trường được phê duyệt; nhà đầu tư báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường để được kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức theo quy định pháp luật hiện hành về BVMT.

Khẳng định quyết tâm đưa dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa sớm hoàn thành, ông Phạm Văn Hòa, Trưởng phòng TN&MT, huyện Lập Thạch cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ triển khai thi công đường dẫn vào khu vực xây dựng dự án, quyết tâm thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Sau khi dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp địa phương tiếp cận với công nghệ xử lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch chung về xử lý CTR sinh hoạt của tỉnh”.

Hồng Tính - Ngọc Lan – Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/81552/dong-thuan-voi-loi-ich-chung-cua-cong-dong.html