Động, thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng với tốc độ chưa từng có
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra tốc độ tuyệt chủng của động vật và thực vật đang ở mức nhanh chưa từng có kể từ đợt tuyệt chủng gần nhất cách đây 66 triệu năm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science lưu ý rằng sự suy giảm nhanh chóng phần lớn là do hoạt động của con người, như phá rừng, nạn ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã.
Theo các nhà nghiên cứu phân tích, gần 515 loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất. Đây là con số đáng báo động bởi quá trình này thường phải mất tới 10.000 năm.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 2001-2014, khoảng 173 loài đã biến mất. Tốc độ này nhanh gấp 25 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng bình thường.
Giáo sư Paul Ehrlich - đồng tác giả nghiên cứu cho biết khi nhân loại tiêu diệt các loài sinh vật khác, chúng ta đang tự phá hủy các bộ phận trong hệ thống hỗ trợ sự sống của chúng ta.
"Việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần phải nâng lên mức độ nguy cấp quốc gia và toàn cầu đối với các chính phủ và tổ chức", ông này cho hay.
Theo ông Gerard Ceballos, đồng tác giả của nghiên cứu, những gì chúng ta làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng hiện tại trong hai thập kỷ tới sẽ quyết định số phận của hàng triệu loài.
Một nghiên cứu riêng biệt được công bố vào tháng 2 cho thấy biến đối khí hậu có thể quét sạch một nửa số loài động thực vật trên hành tinh vào năm 2070.