Dòng tiền chảy mạnh vào bệnh viện tư nhân

Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam, cụ thể là mảng bệnh viện tư nhân, có sức hút lớn với cả nhà đầu tư nội và ngoại.

Nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, tạo cơ hội lớn cho thu hút đầu tư phát triển bệnh viện tư nhân.

Nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, tạo cơ hội lớn cho thu hút đầu tư phát triển bệnh viện tư nhân.

Động lực thúc đẩy đầu tư

Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) là một trong 2 doanh nghiệp theo mô hình bệnh viện tư nhân đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bệnh viện đưa cổ phiếu lên sàn.

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT TNH cho biết, Công ty đang tích cực tiến hành các đợt tuyển dụng quy mô lớn để sẵn sàng đưa cơ sở thứ 3 - Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) - vào hoạt động. Tính đến nay, TNH đã trải qua 10 năm phát triển, với 550 giường tại 2 cơ sở y tế ở Thái Nguyên.

Trong bối cảnh Bệnh viện TNH Việt Yên chưa chính thức hoạt động, cuối tháng 2/2024, TNH tiếp tục khởi công dự án thứ 4 - Bệnh viện TNH Lạng Sơn. Dự kiến, khi cơ sở thứ 4 đi vào hoạt động (quý IV/2025), quỹ giường bệnh của TNH sẽ lên tới con số 1.100, trở thành một trong những chuỗi bệnh viện tư nhân lớn nhất miền Bắc.

Những động thái tích cực đó khiến cổ phiếu của TNH nhanh chóng lọt vào mắt “xanh” của các quỹ đầu tư. Bằng chứng là cuối tháng 2/2024, Endurance Capital Việt Nam I và II đã mua vào 684.000 cổ phiếu TNH, tăng tỷ lệ sở hữu cả nhóm lên 6,05%. Một tuần sau, Quỹ đầu tư ACCESS S.A. SICAV-SIF-ASIA TOP PICKS đến từ châu Âu mua thêm 574.400 cổ phiếu TNH, nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,35%.

Dữ liệu cập nhật nhất cho thấy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TNH xấp xỉ 40%. Cổ đông nước ngoài lớn nhất ở TNH là KWE (sở hữu gần 11%) bày tỏ sẽ đồng hành dài hạn với doanh nghiệp trong các đợt huy động vốn để mở rộng đầu tư tới đây.

Ông Tuyên ước tính, sau khi Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động, doanh thu của Công ty tăng thêm 20%. Năm 2025, TNH Lạng Sơn đưa vào hoạt động sẽ giúp doanh thu tiếp tục tăng thêm khoảng 20%.

Dồn dập thương vụ M&A triệu USD

Theo bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners, các nhà đầu tư tài chính và chiến lược đang rất mong muốn tham gia lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Sự già hóa dân số, cùng với nhận thức về sức khỏe được nâng cao và mức thu nhập ngày càng tăng tạo ra nhu cầu cao đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Trong khi các bệnh viện công vẫn là trụ cột của hệ thống y tế, thì bệnh viện tư nhân là lựa chọn phù hợp cho tầng lớp trung lưu, những người đối diện với các tình trạng bệnh không nghiêm trọng.

Trong quá trình phát triển, lĩnh vực y tế tư nhân được coi là tác nhân quan trọng tạo ra thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ. y tế tư nhân là động lực cho y tế công.

Bà Hương Trịnh cho biết, nhiều nhà đầu tư chiến lược và tài chính liên tục tìm kiếm cơ hội thực hiện những khoản đầu tư lớn vào một số bệnh viện đa khoa tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là các bệnh viện có biên lợi nhuận tốt, dòng tiền ổn định và tỷ lệ lấp đầy cao.

Đáng chú ý nhất là thương vụ Thomson Medical (Singapore và Malaysia) thông báo chi 381,4 triệu USD (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng) để mua lại Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV) - chủ quản Bệnh viện FV (TP.HCM) hồi tháng 7/2023. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020 đến nay.

Trong khi đó, Tập đoàn Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong đã chi 45,6 triệu USD để thâu tóm Bệnh viện Quốc tế Mỹ (TP.HCM) vào tháng 10/2023.

Không chỉ tập trung vào bệnh viện tư nhân tại các đô thị trung tâm, tâm điểm của giới đầu tư cũng hướng về các đô thị loại II, loại III, nơi đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhưng lại chưa được đáp ứng đầy đủ. Ví dụ là thương vụ Quỹ đầu tư CVC Capital mua lại 60% cổ phần Bệnh viện Phương Châu (hệ thống bao gồm 4 bệnh viện ở Đồng bằng sông Cửu Long) vào năm 2022, với giá 116 triệu USD; hay thương vụ Kei Mei Kai mua lại Bệnh viện Hoàn Hảo tại Bình Dương năm 2019.

Đặc biệt, nhà đầu tư cá mập đang “săn lùng” các hệ thống chăm sóc sức khỏe có quy mô lớn với nhiều cơ sở tại Việt Nam. Có thể kể đến khoản đầu tư hơn 203 triệu USD của GIC vào Vinmec năm 2020; hay khoản đầu tư của VinaCapital vào Hệ thống Y tế Thu Cúc năm 2020.

Giới chuyên gia đánh giá, các hệ thống phát triển theo chuỗi có sức hấp dẫn lớn hơn các cơ sở chăm sóc sức khỏe đơn lẻ, nếu nhìn từ góc độ tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận. Năng lực quản trị đã được chuẩn hóa cũng là chìa khóa duy trì hoạt động hiệu quả và đà tăng trưởng của các bệnh viện tư nhân dạng chuỗi.

Tiềm năng dài hạn từ thị trường

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự kiến sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2036.

Những năm qua, Việt Nam nỗ lực nâng cao tỷ lệ giường bệnh và mật độ bác sĩ cũng như chất lượng dịch vụ y tế, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chất lượng cao, song tình trạng quá tải tại các bệnh viện công tuyến đầu ở các thành phố lớn vẫn là vấn đề nhức nhối. Theo số liệu Báo cáo Tổng kết công tác y tế năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam mới đạt 32 giường bệnh/10.000 dân, dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (50 giường/10.000 dân).

Trước sự mất cân bằng này, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống y tế tư nhân. Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu số giường bệnh tư nhân chiếm 15% tổng số giường bệnh vào năm 2025 và đạt 25% vào năm 2050.

“Trong quá trình phát triển, lĩnh vực y tế tư nhân được coi là tác nhân quan trọng tạo ra thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ. Y tế tư nhân là động lực cho y tế công. Ngược lại, y tế công lập phát triển cũng là yếu tố thúc đẩy tư nhân phát triển, nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt nhất”, Thứ trưởng Bộ Y Tế Trần Văn Thuấn chia sẻ.

Vì những lý do đó, bệnh viện tư nhân được dự đoán sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Vấn đề đặt ra với bệnh viện tư nhân, đặc biệt các mô hình phát triển theo chuỗi, là làm sao xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao để duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn. Bởi theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực xét nghiệm y học và điều dưỡng. Đến năm 2025, cả nước cần bổ sung hơn 300.000 điều dưỡng viên và hơn 65.000 kỹ thuật xét nghiệm y học.

Ông Hoàng Tuyên cho biết, TNH đã và đang triển khai các chính sách thu hút nhân tài, như hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo để bác sỹ, điều dưỡng đi học các khóa học chuyên sâu tại các cơ sở y tế hàng đầu trong cả nước, sau đó về làm việc, bồi dưỡng tại các bệnh viện hiện hữu. Công ty cũng thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ giữa các bệnh viện, vừa đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh khi cần thiết.

Sau 7 đợt tuyển dụng với 180 hồ sơ, đại diện TNH khẳng định, Công ty đã hoàn tất việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng khai trương bệnh viện thứ 3 tại Bắc Giang đúng theo tiến độ đặt ra.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-tien-chay-manh-vao-benh-vien-tu-nhan-d216811.html