Dòng tiền đầu cơ và an toàn của hệ thống tài chính

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lần lượt vượt qua các cột mốc lịch sử trong bối cảnh dòng tiền rút ròng của khối ngoại cũng lên mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Ngoài mối lo bong bóng đang ngày càng trở nên rõ nét, thì một rủi ro tiềm tàng khác là thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường tài chính.Dựa trên mức thanh khoản trung bình tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng/ngày và vòng quay chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân được ước tính vào khoảng 30 ngày thì có thể thấy số tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua có thể lên đến 600.000 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán khó bùng nổ sau gói kích thích kinh tế

Theo số liệu thống kê, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,2% vào thời điểm cuối quí 3-2021 và tăng hơn 10% vào cuối tháng 11 so với cuối năm trước. Con số tăng trưởng 10% này sẽ là một vấn đề rất đáng lưu tâm trong bối cảnh các hoạt động kinh tế vẫn ảm đạm.

Vấn đề đặt ra là liệu dòng vốn tín dụng này có thực sự được giải ngân đến đúng nơi cần đến hay không? Và câu hỏi quan trọng hơn là dòng vốn tín dụng liệu có đang chảy vào các thị trường tài chính thay vì các hoạt động kinh tế thực không? Câu trả lời có lẽ là có nhưng quy mô như thế nào mới là vấn đề cần bàn.

Sự mất cân đối trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng

Thống kê về dòng vốn huy động của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, mức tăng vốn huy động từ hệ thống ngân hàng lũy kế ba quí đầu năm 2021 chỉ đạt gần 56.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm trước (đã loại trừ các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng và chứng khoán).

Theo ước tính, tín dụng vào nhóm doanh nghiệp niêm yết chỉ tăng 3,9% tổng dư nợ, trong khi đó tín dụng toàn hệ thống tăng đến 7,17% trong cùng kỳ. Các doanh nghiệp niêm yết được xem là nhóm các doanh nghiệp lớn của nền kinh tế. Dòng vốn tăng chậm và mất cân đối ở nhóm này thể hiện sự bi quan của họ về triển vọng của nền kinh tế khi các biến số về dịch bệnh vẫn đang rất khó lường.

Trong giai đoạn dịch vừa qua phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tiềm lực tài chính hạn chế, đều bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm số doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký giải thể lên đến 97.089, nhiều hơn so với số thành lập là 93.716.

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thường đến từ ba bộ phận chính là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tín dụng của cá nhân. Kết quả thống kê từ danh mục cho vay của 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam cho thấy, tăng trưởng của khách hàng cá nhân khoảng 7,46% ở thời điểm cuối quí 3-2021 so với cuối năm 2020. Như vậy, có thể thấy mức tăng trưởng tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lớn rất nhiều so với mức trung bình để bù đắp mức tăng trưởng thấp từ các doanh nghiệp niêm yết như đã phân tích ở trên.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra cầm chừng khi mức tăng trưởng đầu tư chung của toàn xã hội chỉ đạt 0,4%, không loại trừ khả năng dòng vốn ngân hàng giải ngân cho các hợp đồng tín dụng mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.

Hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết cũng đã gia tăng rất đáng kể trong vòng năm quí vừa qua, dù tình trạng dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời tăng mạnh trong quí 2 và quí 3 khi nền kinh tế khu vực phía Nam thực hiện giãn cách hoàn toàn.

Rủi ro lớn khi dòng tín dụng có thể đang chảy mạnh vào chứng khoán

Điều mà rất nhiều nhà đầu tư bất ngờ nhất, đó là bên cạnh việc chỉ số chứng khoán tăng mạnh còn là sự gia tăng cực lớn của thanh khoản, từ mức 6.000-8.000 tỉ đồng/phiên trước đây, đến nay con số 30.000 tỉ đồng/phiên đã trở nên rất bình thường. Mức thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam so với giá trị vốn hóa đang cao hơn rất nhiều so với các thị trường mới nổi như Malaysia hay Indonesia.

Dựa trên mức thanh khoản trung bình tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng/ngày và vòng quay chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân được ước tính vào khoảng 30 ngày thì có thể thấy số tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua có thể lên đến 600.000 tỉ đồng.

Quy mô tổng dư nợ tín dụng toàn thị trường vào khoảng 10 triệu tỉ đồng cuối quí 3, và với mức tăng trưởng 10% vào cuối tháng 11 thì tương đương với khoảng 900.000 tỉ đồng dư nợ mới đã được bơm vào thị trường. Dòng tiền nhàn rỗi này chảy vào chứng khoán là điều hoàn toàn có thể hiểu được dựa trên bối cảnh dịch bệnh trong năm qua.

Tuy nhiên, nếu một lượng lớn trong dòng vốn đó đến từ tín dụng của hệ thống ngân hàng thì nó có thể là vấn đề lớn cho hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế một khi bong bóng trên thị trường chứng khoán vỡ. Thị trường chứng khoán Trung Quốc từng tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn đầu năm 2015 và đổ vỡ nhanh chóng trong năm, gây tổn thất rất lớn cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khi đó không liên quan nhiều đến dòng vốn từ hệ thống ngân hàng.

Cần gia tăng giám sát

Sự sụt giảm nhanh của thị trường chứng khoán có thể khiến khả năng hoàn trả nợ của các nhà đầu tư cá nhân gặp vấn đề, đồng thời tạo ra những khoản nợ xấu tiềm tàng trên báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng lớn của chỉ số VN-Index và là trụ đỡ cho thị trường trong suốt thời gian qua. Nếu hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng và những kỳ vọng xấu đi của diễn biến trên được tính vào trong giá của cổ phiếu ngân hàng thì có thể gây ra những hiệu ứng domino cho toàn thị trường.

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá một cách toàn diện về mức tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua để xem liệu dòng vốn có đang được đưa vào các hoạt động kinh tế thực hay không. Nếu dòng vốn thực sự đang không đúng mục đích thì cần thực hiện các biện pháp can thiệp để đảm bảo duy trì sự an toàn của hệ thống ngân hàng trước những biến động sắp tới.

(*) CFA
(**) BUH

Lê Hoài Ân (*) - Trần Viết Lảm (**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-tien-dau-co-va-an-toan-cua-he-thong-tai-chinh/