Dòng tiền đầu tư công chảy mạnh, cổ phiếu xây dựng và ngân hàng hưởng lợi lớn
Các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công bao gồm xây dựng, vật liệu xây dựng và ngân hàng, đây là những lĩnh vực sẽ 'đón sóng' ngay trong giai đoạn triển khai các dự án...
Sau giai đoạn bứt phá mạnh mẽ trong đầu tư công giai đoạn 2022-2023 với tỷ lệ giải ngân vượt 80% kế hoạch, năm 2024 chứng kiến sự chậm lại đáng kể. Tính đến hết 11 tháng đầu năm, vốn thực hiện từ Ngân sách Nhà nước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, nhưng mới hoàn thành 64,3% kế hoạch năm. Riêng ngành giao thông vận tải giải ngân được 62,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,1% so với cùng kỳ và đạt 86% mục tiêu.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Yuanta cho rằng nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm là do khó khăn chủ yếu xuất phát từ các thay đổi trong khung pháp lý. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và buộc nhiều dự án phải tạm dừng để điều chỉnh. Đồng thời, các Luật mới sẽ được áp dụng từ 2025 khiến một số dự án phải chờ cơ sở pháp lý mới để triển khai.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, nhiều tỉnh thành đã thông qua Quy hoạch 5 năm tiếp theo giai đoạn 2025-2030, do đó, nhiều dự án bị đình trệ lại chờ Quy hoạch chính thức để điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư; thiếu nguyên vật liệu và cát san lấp, trong khi chi phí nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Dẫu vậy, năm 2024 vẫn có những điểm sáng nổi bật, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng điện. Việc đóng điện thành công đường dây 500 kV mạch 3 và nhiều trạm, đường dây truyền tải điện khác đã đánh dấu bước tiến quan trọng, giúp tháo gỡ nút thắt nguồn cung điện, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế.
Theo Chứng khoán Yuanta, dù mức giải ngân trong năm 2024 chưa đạt kỳ vọng, nhưng triển vọng dài hạn vẫn rất khả quan. Năm qua, Chính phủ đã tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, hoàn thiện quy trình pháp lý và phân quyền mạnh mẽ cho các cơ quan ban ngành, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy đầu tư công trong các năm tới.
Đặc biệt, việc lấy ý kiến và phê duyệt dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam – với tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỷ USD – là bước ngoặt quan trọng. Những nỗ lực trong năm 2024 đã đặt nền móng vững chắc để hiện thực hóa các dự án lớn trong giai đoạn 2025-2026.
Sau nhiều năm ngân sách Nhà nước thường xuyên rơi vào tình trạng bội chi, năm 2024 đã ghi nhận bước chuyển mình tích cực khi đạt mức bội thu nhẹ 21 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP. Dự báo cho cả năm, bội thu ngân sách ước đạt 195 nghìn tỷ đồng (1,7% GDP), tạo cơ sở quan trọng để Chính phủ tăng cường đầu tư công trong năm 2025 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-10%.
Bước sang năm 2025, hàng loạt thay đổi pháp lý quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực, bao gồm các Luật mới như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Quy hoạch, và Luật Đấu thầu. Những cải cách trong các bộ luật này tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục đối với các dự án công, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong phê duyệt đầu tư và đấu thầu. Đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt pháp lý và tăng tốc triển khai các dự án công đang bị đình trệ.
Về nợ công, mức nợ cuối năm nay ước tính dao động từ 36-37% GDP, thấp hơn đáng kể so với trần cho phép của Quốc hội là 50%. Điều này mang lại dư địa tài chính để triển khai mạnh mẽ các dự án công trong năm 2025.
Năm 2025 không chỉ là cột mốc quan trọng, mà còn là năm cuối của kế hoạch chính sách tài khóa trung hạn 2021-2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch đầu tư phát triển đầy tham vọng với tổng chi tiêu dự kiến lên tới 790,7 nghìn tỷ đồng (khoảng 30,8 tỷ USD), tăng 20% so với năm trước. Mục tiêu không chỉ là thúc đẩy đầu tư công mà còn gắn liền với chiến lược tăng trưởng GDP đạt mức 8-10% trong năm 2025. Bên cạnh đó, tầm nhìn dài hạn giai đoạn 2026-2030 đặt kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng 7,5-8,5% mỗi năm, và phần lớn động lực để đạt được kế hoạch này đến từ việc giải ngân thành công các dự án công quy mô lớn.
Trong số các dự án quan trọng, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tốc độ thiết kế 350 km/h và tổng vốn đầu tư lên đến 67,3 tỷ USD – dự án lớn nhất trong lịch sử đầu tư công tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù dự kiến khởi công vào năm 2027, Chứng khoán Yuanta đánh giá rằng thời điểm khởi công có thể sẽ còn nhiều thay đổi trong tương lai.
Theo dự báo từ Chứng khoán Yuanta, các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công bao gồm xây dựng, vật liệu xây dựng và ngân hàng. Đây là những lĩnh vực sẽ "đón sóng" ngay trong giai đoạn triển khai các dự án.
Ngược lại, ngành bất động sản, dù được hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công nhưng thường chỉ thực sự tăng tốc khi các dự án hạ tầng tiến gần đến giai đoạn hoàn thiện. Điều này tạo tiền đề cho giá trị bất động sản xung quanh khu vực tăng cao, mang lại lợi ích lớn hơn cho các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, nhà đầu tư cần chọn lọc hơn theo các dự án hưởng lợi ở các doanh nghiệp này.