Dòng tiền giữa khủng hoảng thuế quan thế giới: Cổ phiếu nào sáng giá nửa cuối năm?
Khủng hoảng thuế quan thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt và bất ổn địa chính trị nhiều nơi đang khiến dòng tiền toàn cầu trở nên thận trọng hơn bao giờ hết. Giữa những biến số lớn, ACBS chỉ ra loạt nhóm cổ phiếu có triển vọng sinh lời ổn định trong nửa cuối 2025, đặc biệt tại các ngành được hưởng lợi từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và công nghệ.

ảnh minh họa
Hai rủi ro lớn cho chứng khoán
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), từ nay đến cuối năm 2025, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu sức ép đối mặt với hai rủi ro lớn: Thứ nhất là tình trạng căng thẳng địa chính trị và sự phân cực, kéo theo nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, đe dọa tăng trưởng . Thứ hai là chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước phát triển với lãi suất duy trì ở mức cao, trong khi nhiều quốc gia lại đang đối mặt với vấn đề nợ công đang gia tăng.
Một điểm nóng trong bức tranh kinh tế là chính sách thuế quan mới của Mỹ được công bố vào ngày 2/4/2025 do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng kéo dài. Chính sách này đã khiến nhiều tổ chức lớn như IMF hay OECD phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, IMF điều chỉnh mức dự báo xuống còn 2,8% (giảm 0,4 điểm phần trăm), trong khi OECD cũng giảm từ 3,3% xuống 2,9%.
ACBS nhận định, rủi ro lớn nhất từ chính sách thuế quan Mỹ là sự khó đoán trong các quyết định. Quá trình đàm phán để tìm tiếng nói chung cũng thường kéo dài, vì vậy môi trường bất ổn này có thể sẽ còn tiếp diễn ít nhất đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Trong bối cảnh đó, dòng tiền trên thị trường tài chính toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch về các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng, các quỹ tiết kiệm ngắn hạn hoặc thị trường chứng khoán tại các khu vực như EU, Nhật Bản hay Đức – nơi cổ phiếu đang được định giá hấp dẫn. Đồng thời, đồng USD cũng suy yếu nhẹ so với các đồng tiền mạnh khác, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao do lo ngại về thâm hụt ngân sách và nợ công.
Việt Nam vững bên trong nhưng chịu sức ép kép từ bên ngoài
Trước các diễn biến toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, đặc biệt là trong câu chuyện thuế quan. Dù quá trình đàm phán gần đây cho thấy Việt Nam đang duy trì lợi thế với mức thuế ưu đãi 20% cho hàng xuất khẩu chính ngạch, nhưng thuế tới 40% đối với hàng trung chuyển – kết hợp với mô hình kinh tế mở và tỷ trọng lớn của doanh nghiệp FDI – khiến Việt Nam nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương khi thương mại toàn cầu gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ACBS cho rằng nền tảng tăng trưởng của Việt Nam vẫn khá vững nhờ vào việc Chính phủ đang đẩy mạnh nội lực và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và khuyến khích các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo. Thêm vào đó, việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ là bàn đạp giúp nền kinh tế phát triển bền vững trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, dù có nhiều điểm sáng như đầu tư công được thúc đẩy, tiêu dùng trong nước phục hồi và dòng vốn FDI tiếp tục dịch chuyển tích cực, nhưng các yếu tố bất ổn bên ngoài vẫn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Nhiều tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 xuống mức trung bình 6,3%; riêng IMF dự báo chỉ còn 5,2%. ACBS cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 6,5 – 7% (trước đó là 7 – 7,5%).
Thị trường chứng khoán vẫn có nhiều điểm tích cực
Về thị trường tài chính, ACBS cho rằng quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Từ cuối năm 2024, quy định mới về giao dịch không cần nạp trước tiền (Non-prefunding) đã bắt đầu được áp dụng. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam (KRX) cũng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2025. Với những thay đổi này, Việt Nam có khả năng cao sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ đánh giá tháng 9/2025 – điều sẽ giúp thu hút thêm nhiều dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tạo đà tăng trưởng cho thị trường trong trung – dài hạn.

Dựa trên triển vọng vĩ mô và các yếu tố hỗ trợ từ chính sách, ACBS đã nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp niêm yết (chiếm hơn 50% vốn hóa trên HOSE) trong năm 2025 lên 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Với định giá hợp lý (P/E dao động quanh mức trung bình 3 năm), ACBS kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.350 – 1.500 điểm. Một tín hiệu tích cực khác là thanh khoản thị trường dự kiến sẽ tăng 20% so với năm 2024, nhờ sự tham gia mạnh mẽ từ khối ngoại.
Từ góc nhìn chiến lược đầu tư, ACBS cho biết sẽ tập trung đầu tư vào các ngành có khả năng giữ ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh bất định hiện tại. Cụ thể gồm các nhóm: ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công, công nghệ, hóa chất – phân bón và bất động sản dân dụng.
Trong khi đó, các ngành như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su (liên quan xuất khẩu); bất động sản khu công nghiệp và logistics được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách thuế mới của Mỹ, nên cần theo dõi và cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.