Dòng tiền khiến VN-Index tăng mạnh đến từ đâu?
Chứng khoán trong nước hồi phục mạnh, thanh khoản thị trường trở lại ngưỡng hàng chục ngàn tỷ đồng thay cho các phiên èo uột chỉ vài ngàn tỷ, các cổ phiếu nối dài chuỗi tăng trần đột biến là những gì đang diễn ra trong gần một tháng qua.
Trong đà hồi phục của thị trường, nhiều cổ phiếu tăng giá 50 - 200% từ đáy. Nhóm cổ phiếu bất động sản sạch bóng cổ phiếu nằm sàn, với những cuộc giải cứu ở NVL (Novaland), PDR (Phát Đạt), HPX (Hải Phát). Thậm chí, HPX đã phá vỡ kỷ lục thanh khoản. Cũng trong nhóm bất động sản, L14 (Licogi 14) gây chú ý với chuỗi 14 phiên tăng trần. Đóng cửa phiên giao dịch 2/12, L14 ở mức 48.100 đồng/cổ phiếu. Ngày 5/12, thị trường tiếp giao dịch hứng khởi. Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư vào phiên chiều, dù vậy, sự rung lắc là không đáng kể. VN-Index tiến về mốc 1.100 điểm.
Chuyên gia Phạm Thanh Sang (Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư STalk) phân tích, thị trường đang trông chờ vào những tin tức tích cực lãi suất có thể sẽ tăng chậm lại hoặc có thể sớm ngừng tăng trong giai đoạn tới. Xu hướng thị trường trong thời gian tới rất khả quan. Khả năng cao VN-Index sẽ tích lũy ở vùng 1.070 - 1.080 điểm sau đó sẽ chinh phục mốc 1.150 điểm và xa hơn 1.200 điểm.
Dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường, trong đó có sự đóng góp lớn từ hoạt động mua ròng của khối ngoại. Động thái mua ròng trở lại của khối ngoại được bắt đầu từ 3/11. Khối ngoại duy trì mua ròng từ 3/11 đến 2/12, với giá trị hơn 19.000 tỷ đồng.
Chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty cổ phần FIDT phân tích, giá trị mua ròng khớp lệnh của khối ngoại có đóng góp hơn 30% từ các quỹ ETFs, phần lớn là của Fubon FTSE Vietnam ETF. Quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF xấp xỉ 15.900 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF bám sát theo chỉ số FTSE Vietnam 30 và đã giải ngân gần hết số tiền trên. Do đó, quy mô mua ròng trong tuần qua có dấu chân của một nhóm khối ngoại khác.
Ông Tuấn cho rằng, tiền này nằm ở một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư (P-Notes), được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài. "Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh, nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn...Dòng vốn P - Notes này đầu cơ cực cao, vào rất nhanh và ra cũng rất nhanh", chuyên gia này nói.
Để phát hành P-Notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-Notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước sở tại.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, cả 4 ngân hàng đầu tư nước ngoài có quy mô lớn là Deutsche Bank, HSBC, Citigroup và Merrill Lynch (nay là một bộ phận của Bank of America) đều triển khai phát hành các P-Notes cho khách hàng của mình ở nước ngoài. Mặc dù khó dự đoán chính xác nhưng khoảng thời gian mua mạnh nhất của P - Notes thường kéo dài khoảng 1,5-2 tháng. Hiện tại dòng vốn này có thể đã vào khoảng 2 tuần, và kéo dài.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-tien-khien-vn-index-tang-manh-den-tu-dau-post1492511.tpo