Dòng tiền lại 'mất hút', VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.050 điểm
Trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ và kỳ nghỉ lễ đến gần, dòng tiền vào thị trường chứng khoán hôm nay lại mất hút. Các cổ phiếu đều giao dịch cầm chừng, không có mã nào quá nổi trội.
Kết phiên 20/4, VN-Index tăng nhẹ 0,27 điểm lên mốc 1.049,25 điểm. HNX-Index tăng 0,76 điểm còn UPCoM giảm 0,26 điểm. Thanh khoản lại về dưới mốc 10.000 tỷ đồng, giá trị khớp lệnh chỉ đạt hơn 7.400 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 1.000 tỷ đồng và mua ròng hơn 50 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Khối ngoại trở lại mua ròng STB với giá trị 35 tỷ đồng. HPG cũng được mua ròng tích cực với giá trị 32 tỷ đồng. SHB và VRE cùng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng, còn lại lực mua rải rác ở SAB, EIB, VHM, CTG, HDB, VJC…
Chiều bán ròng dẫn đầu là GMD với giá trị 21 tỷ đồng, còn lại các mã bị bán ròng dưới 10 tỷ đồng, như PVT, GAS, BMP, SSI, HDG, HAH, MSN…
Lực mua và lực bán hôm nay tương đối cân bằng, với hơn 390 mã ở chiều tăng và gần 350 mã ở chiều giảm. Dòng tiền yếu nên các mã thay đổi giá trị không lớn. Tại VN30, tăng mạnh nhất là BVH với tỷ lệ 1,8%; trong khi giảm mạnh nhất là PDR với tỷ lệ 2,2%.
PDR (Bất động sản Phát Đạt) hôm nay công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu chỉ đạt 192 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 22,4 tỷ đồng, giảm 92%. Công ty cho biết, nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh sụt giảm chủ yếu là do tình hình khó khăn chung của thị trường, đặc biệt là đối với ngành bất động sản, bên cạnh chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty.
Nhóm tích cực nhất hôm nay là thủy sản, với vốn hóa toàn nhóm tăng hơn 2%; nhờ sự đóng góp của VHC +3,2%, ANV +2,5%. FMC, IDI, CMX cũng đều ở chiều tăng. ANV (CTCP Nam Việt, Navico) ngày 20/4 công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu thuần 1.155 tỷ đồng, giảm 5% so với quý 1/2022; lợi nhuận thuần đạt 92,37 tỷ đồng, giảm 55%.
Các nhóm ở chiều tăng hôm nay còn có bảo hiểm, hóa chất, nông nghiệp, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin… Ngược lại, chiều giảm ghi nhận ở chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, dầu khí. Tuy nhiên như đã nói ở trên, do dòng tiền yếu nên tỷ lệ điều chỉnh của các nhóm ngành không đáng kể, chỉ dưới 1%.
Như tại nhóm ngân hàng, tăng mạnh nhất là BAB với tỷ lệ 2,9%, SGB 2,2%. BID, CTG, BDB, MBB, STB đều kết phiên trong sắc xanh nhưng giá trị chỉ tăng nhẹ dưới 1%.
Tương tự, nhóm chứng khoán tăng mạnh nhất là DSC với tỷ lệ 4,6%, WSS 3,8%, HAC 3,6%, IVS 3,5%, VDS 2,6%. Giảm mạnh nhất là BMS -5,7%, HBS -3,4%, CTS -2%...
Trong phiên hôm qua (19/4), việc giảm điểm với thanh khoản thấp cho thấy chỉ số sẽ sớm có nhịp kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.050-1.055 điểm. Nếu phục hồi thành công, nhịp giảm điều chỉnh có thể coi là kết thúc. Tuy nhiên qua phiên hôm nay, diễn biến này vẫn chưa thể xác nhận.
Thị trường muốn phục hồi đà tăng trong ngắn hạn cần một phiên đóng cửa tuần vượt mốc 1.060-1.065 điểm trở lại.